Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để xứng tầm là một trong ba “trụ cột” kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 05:13, 28/01/2024

Cùng với du lịch, công nghiệp và nông nghiệp là ba trụ cột kinh tế của tỉnh, được ví như “kiềng ba chân”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân…Trong đó, năm 2023 đánh dấu bước ngoặt của ngành nông nghiệp tỉnh, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao (NQ 05). Đặc biệt, đó là sự hình thành chuỗi giá trị gia tăng, mở rộng thị trường nông sản.

Sức bật của các loại cây trồng lợi thế

Trong sắc xuân ngập tràn của những ngày cận tết, ánh đèn rực rỡ ban đêm của bạt ngàn vườn thanh long chong đèn dọc quốc lộ 1A đi qua Bình Thuận càng thêm lung linh, huyền ảo. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, biến động về thị trường, nhưng đến nay các địa phương cơ bản vẫn giữ ổn định diện tích thanh long gần 26.500 ha, sản lượng trên 570.500 tấn. Với giá bán vào dịp cuối năm đang tăng trở lại, mang theo kỳ vọng mới của người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu.

z4991237632155_4506e72eb0383d5d3f62cf7be7fe5b61.jpg
z4991237618209_53deef705d94db4eb6e8145ce5e387d8.jpg
Sản xuất thanh long theo chuỗi liên kết.

Tuy nhiên, thanh long không phải là loại cây trồng lợi thế duy nhất của tỉnh, mà Bình Thuận còn “mạnh” về những loại cây có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, nho, lúa... Một số vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh quy mô lớn được hình thành như cao su 45.278 ha, sản lượng thu hoạch đạt 67.950 tấn, cây điều gần 17.600 ha, sản lượng ước đạt 12.900 tấn và diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh dao động trên 120.000 ha, sản lượng trên 744.000 tấn… Dấu ấn đậm nét năm 2023 của ngành nông nghiệp tỉnh, đó là vào thời điểm thu hoạch lúa vụ mùa, người dân trồng lúa cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng vui mừng khi giá lúa cao kỷ lục, vượt trên 9.500 đồng/kg. Do đó, hầu hết bà con đều có lãi khá.

z5033078388788_0467639412caa8b721b87b8000fec719.jpg
Thu hoạch lúa.

Theo đánh giá của ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện NQ 05, các địa phương từ Tuy Phong đến Đức Linh, đều dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng của từng vùng để chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Riêng cây lúa phát triển diện tích theo đúng định hướng đề ra, tập trung nâng cao chất lượng, gạo đặc sản và tăng giá trị. Bên cạnh đó là các loại cây lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng khác như dưa lưới, thanh long, mít, xoài, bưởi, cam, điều… đang ngày càng khẳng định chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Cùng xu thế phát triển theo hướng GAP, chú trọng chất lượng nông sản, sự xuất hiện của nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn như ở Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam… với các loại cây sản xuất trong nhà màng, nhà bạt, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, là những kết quả nhất định trong thu hút đầu tư, phát triển quy mô lớn của ngành nông nghiệp tỉnh.

z5033082000089_3202652481e4c63babbfa87a39e5647a.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Thêm một điểm nhấn của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm qua, đó là Chi cục Kiểm lâm được Sở Nông nghiệp và PTNT giao xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng (đối với các loài cây có thị trường tiêu thụ) trên địa bàn tỉnh như nấm lim xanh, sâm bố chính, khoai mài, trà hoa vàng dưới tán rừng tự nhiên với diện tích 1,8 ha. Qua đó nhằm phân tích, đánh giá hiệu quả và triển vọng nhân rộng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; góp phần cơ cấu lại sản xuất trên lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…Từ đây, ngành nông nghiệp thực tế nhiệm vụ trong NQ 05 về khuyến khích phát triển cây dược liệu, phấn đấu đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Thuận.

z5033083128690_2e9521e6504fdc9a0d0bf694a21325ed.jpg
Trồng táo tại xã Phong Phú - Tuy Phong.

Hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao

Năm 2023 trôi qua với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhiều động lực để phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đòn bẩy phát triển ngành nông nghiệp tỉnh. Đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào sử dụng, giúp thời gian đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa từ các nơi đến Bình Thuận, nhất là từ vùng kinh tế trọng điểm phía nam và ngược lại được rút ngắn, thuận lợi… Ngoài ra, từ đòn bẩy của Năm du lịch quốc gia – Bình Thuận - Hội tụ xanh, đã thu hút hàng triệu lượt du khách đến với Bình Thuận. Đây cũng là dịp để các địa phương phát triển du lịch nông nghiệp và quảng bá, mở rộng thị trường nông sản. Đặc biệt, nhiều loại nông sản chế biến đạt OCOP từ thanh long, hạt điều, tinh bột nghệ, nước mắm, nho, táo… đã và đang được chú trọng chất lượng, quảng bá thương hiệu, phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến với Bình Thuận.

z4929525552985_f0db7fcff018cf0724752baa5d01d529.jpg
Nhờ sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân ngày càng nâng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang.

Nhấn mạnh tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện NQ 05 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho rằng, tỉnh có nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, hải sản, cùng với hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư là tiền đề để đưa nền nông nghiệp đạt được tiêu chí như tên nghị quyết đề ra là hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, giá trị gia tăng của ngành chưa cao. Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp và việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Do đó, ngoài việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong NQ 05, một số vùng trồng cần phải thoát khỏi việc độc canh, đa dạng hóa các loại cây trồng, tập trung loại cây trồng có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là phát triển cây dược liệu. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa sinh thái hữu cơ, sản xuất sạch an toàn để đưa ngành nông nghiệp bền vững, an toàn vì sức khỏe của người tiêu dùng. Trong các dự án về nông nghiệp phải có quy hoạch, khuyến khích tích tụ đất đai để phục vụ vùng sản xuất lớn.

Ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để đạt mục tiêu đến năm 2030, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và có hệ sinh thái phát triển bền vững, tới đây ngành ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp. Trong đó, hợp tác xã là một tác nhân trong chuỗi liên kết, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để “làm bạn” với doanh nghiệp lớn… Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh tin tưởng, sắp tới thị trường nông sản tiếp tục được mở rộng, nông sản của tỉnh chắc chắn sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hạ tầng của tỉnh tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, sẽ đón những doanh nghiệp đầu tư mới, nhất là đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Từ đó, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, để ngành nông nghiệp xứng tầm là một trong ba “trụ cột” kinh tế của tỉnh.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện NQ 05:

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp trong 3 năm (2021, 2022 và ước năm 2023) bình quân đạt 2,94%/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản ước tăng bình quân 3,23%/năm. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong giá trị tăng thêm năm 2021 chiếm 28,95%, năm 2022 chiếm 27,48%, ước năm 2023 chiếm 26,20%. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt năm 2021 đạt 119,6 triệu đồng, năm 2022 đạt 126,7 triệu đồng, ước năm 2023 đạt khoảng 130 triệu đồng…

Kiều Hằng