Một năm khó khăn cho xuất khẩu thủy sản

Kinh tế - Ngày đăng : 05:04, 31/01/2024

Do ảnh hưởng tình hình suy thoái, lạm phát ở một số thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn khiến cho nhiều đơn hàng bị cắt giảm, giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, thêm vào đó Việt Nam chưa gỡ “thẻ vàng” IUU. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn rơi vào tình trạng trên và dự kiến sẽ còn kéo dài sang năm 2024.

Khó từ rào cản thương mại

Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 doanh nghiệp (24 doanh nghiệp chế biến hàng đông, hàng khô và 6 doanh nghiệp chế biến nước mắm, 1 doanh nghiệp chế biến đồ hộp) được xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu ủy thác sản phẩm ra thị trường nước ngoài như: EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN, Trung Đông… Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm hải sản khô, hải sản đông lạnh các loại, sushi, sashimi, surimi - chả cá. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp đều quan tâm đầu tư, trang bị máy móc sản xuất phù hợp để sản xuất hàng thủy sản giá trị gia tăng góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.

che-bien-hai-san-xuat-khau-o-tuy-phong-anh-nl-1-.jpg
Chế biến hải sản xuất khẩu. Ảnh: N.Lân

Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới không ổn định, kinh tế thế giới phục hồi chậm, lạm phát cao ở một số nước dẫn đến nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam giảm. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước và chưa gỡ “thẻ vàng” của EC… đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của cả nước, Bình Thuận cũng nằm trong số đó. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 714,44 triệu USD, trong đó, nhóm hàng hải sản đạt 214,77 triệu USD, chiếm tỷ trọng 30,06%, đạt 82,6% kế hoạch, giảm 14,1% so với năm trước.

85e336b9b4317b6f2220.jpg
Sản xuất nước mắm xuất khẩu.

Trước tình hình đó, Sở Công Thương đã xây dựng và tổ chức các chương trình, kế hoạch công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ Hiệp hội Thủy sản Bình Thuận và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động theo Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia và Chương trình Xúc tiến thương mại của tỉnh để quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm đến người tiêu dùng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, phát triển hệ thống phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

Song song đó, còn phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến: Hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia; Diễn đàn thương mại Việt Nam - EU; Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên... Thông qua đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh có cơ hội tìm hiểu, kết nối cơ hội kinh doanh với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Sở đã làm việc với siêu thị Tứ Sơn về công tác quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh (trong đó có sản phẩm thủy sản).

nuoc-mam-ba-hai-anh-n.-lan-1-.jpg
co-so-san-xuat-nuoc-mam-ca-den-anh-n.-lan-5-.jpg
 Sản xuất nước mắm trong tỉnh đã lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: N.L

Định hướng cho năm 2024

Đặc biệt, tích cực ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ 7 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản tham gia Đề án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận”, đến nay đã có 50 sản phẩm thủy sản của các cơ sở được tạo mã QR Code. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ đưa danh sách doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử ngành Công Thương 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng như: Công ty TNHH Cá Đen, Công ty TNHH Mười Tuyền, Cơ sở sản xuất nước mắm Dì Mười Tiếp, Công ty TNHH MTV Hải sản Phan Thiết, Công ty TNHH Thương mại chế biến hải sản Đầm Sen, Công ty TNHH nước mắm Bà Hai. Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng 2 chuỗi thủy sản cung ứng thực phẩm an toàn, cộng dồn đến nay có 46 chuỗi với sản lượng sản phẩm thủy sản an toàn được kiểm soát khoảng 58.036 tấn/năm. Hỗ trợ 4 cơ sở chứng nhận HACCP, lũy kế đến nay có 54 cơ sở được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo ISO/HACCP… Qua đó góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho chế biến xuất khẩu.

ca-ve-cang-phan-thiet-anh-n.-lan-10-.jpg
Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng thủy sản giá trị gia tăng cao. (ảnh: N. Lân)

Dự báo trong năm tới, tình hình xuất khẩu thủy sản còn nhiều khó khăn, các sở, ngành trong tỉnh đã lên kế hoạch hỗ trợ chế biến các mặt hàng thủy sản giá trị gia tăng cao, đa dạng các mặt hàng để thâm nhập ngày càng sâu, rộng hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Đẩy mạnh công tác thông tin dự báo cho doanh nghiệp về tình hình kinh tế, thông tin thị trường, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu, các quy định về kiểm dịch, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm để doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường mà Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và khai thác các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tham gia vào các chuỗi giá trị thủy sản, qua đó vận dụng các chính sách để đầu tư, cải tạo nhà xưởng, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường…

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giúp doanh nghiệp kết nối, quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Shopee.vn; Tiki.vn; Lazada.vn; TikTokShop, Alibaba…

Minh Vân