Heo nhập lậu tràn về Việt Nam, nhà chăn nuôi “kêu cứu”
Trong nước - Ngày đăng : 16:02, 31/01/2024
Những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là dịp mà các hộ kinh doanh nuôi lợn đang chuẩn bị xuất bán lứa cuối cùng của năm để mong thu hồi được vốn. Tuy nhiên, mất 4 - 5 tháng trời chăm bẵm mà giờ đây, thương lái đến thu mua lại trả rẻ hơn cả chi phí đầu vào.
Chăn nuôi gặp khó vì lợn nhập khẩu
Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, gia đình ông Thuấn đã đầu tư 1,1 tỷ đồng để nuôi 300 con heo. Theo tính toán, giá thành sản xuất đã là 50.000 đồng/kg, do đó, khi xuất chuồng, người chăn nuôi phải bán từ 51.000 - 60.000 đồng/kg mới có lãi. Tuy nhiên, ông Thuấn rất bất ngờ khi đơn vị thu mua chỉ mua với giá 49.000 đồng/kg, dưới giá thành sản xuất. "Cái giá này hiện tại là đang lỗ 300.000 đồng/con heo. Vì heo đến lứa không thể nuôi lớn hơn được nên tôi chấp nhận phải bán", ông Đinh Cao Thuấn chia sẻ.
Những năm trước, thời điểm này, trại heo của ông Huấn tất bật xuất chuồng. Nhưng năm nay đã khác, ông buộc phải bỏ chuồng, không nuôi heo. Vì trước đây, mỗi lứa heo ông Huân phải vay hơn 1 tỷ đồng để nuôi 1.000 con heo. Tuy nhiên, tình trạng heo nhập lậu khiến ông không thể cạnh tranh được về giá. Đặc biệt là rất rủi ro khi phải thu hồi vốn trả vốn vay ngân hàng. "1.000 con heo tôi phải lỗ hết từ 500 - 700 triệu đồng, từ chỗ như vậy nên tôi quyết định không nuôi nữa, nghỉ", ông Nguyễn Đức Huấn cho biết.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, heo nhập lậu từ Campuchia tràn vào qua các cửa khẩu đã làm cho nguồn cung trong nước tăng lên. Đặc biệt là giá heo nhập lậu trên thị trường có rẻ hơn nên khiến cho giá heo trong nước bị ép xuống thấp, làm người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, tình trạng heo nhập lậu không chỉ gây thiệt hại đến người chăn nuôi trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì đây là nguồn heo không được kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những ngày gần Tết, an toàn thực phẩm vẫn là câu chuyện chưa bao giờ hết nóng.
Khó khăn trong xử lý các vi phạm
Cảnh sát kinh tế cho biết, họ không có chức năng hoạt động ở biên giới nên phải chờ vào đến nội địa. Tuy nhiên, vào đến nội địa, khi bắt phải chứng minh đó là heo từ biên giới về, nếu không chứng minh được thì heo tiêu thụ nội địa cũng không có tội. Để chứng minh được, quản lý thị trường bảo cần có công an giao thông chứ họ không dừng xe được. Thú y lại bảo rằng, lực lượng mỏng quá. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng cho biết sẽ vào cuộc quyết liệt, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm với các chế tài đủ sức răn đe.
Ngăn chặn nhập lậu là một đề xuất chính đáng nhưng vẫn chỉ là vấn đề bề mặt của ngành chăn nuôi. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành chăn nuôi năm 2023 vào khoảng 430 triệu USD, thấp hơn nhiều so với các mặt hàng nông sản tỷ USD khác. Cách hiệu quả nhất để ngăn đàn heo vượt biên từ nước ngoài là tăng giá trị sản xuất theo quy mô lớn hơn, tạo năng lực cạnh tranh tốt hơn, giành lại sự tin tưởng của người tiêu dùng.