Xây dựng đô thị thông minh để phát triển bền vững
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:38, 01/02/2024
Hiện trạng CNTT của tỉnh
Qua nghiên cứu, phân tích của các cơ quan chức năng cho thấy, với thực trạng ứng dụng CNTT hiện tại, Bình Thuận đang có nhiều thuận lợi và có điều kiện để có thể xây dựng ĐTTM trong giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030. Cụ thể, đối với hạ tầng viễn thông, thời điểm này hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% cấp xã với tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước.
Tỉnh đã phát triển dữ liệu dùng chung, chuyên ngành gắn với kết nối, tích hợp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, một số cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh đã được xây dựng, sử dụng như: CSDL thủ tục hành chính; CSDL cán bộ, công chức, viên chức; CSDL hộ tịch; CSDL đất đai; CSDL quy hoạch chuyên ngành. Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và khai thác, sử dụng hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, đổi mới phương thức làm việc. Song song đó, tỉnh đã triển khai phát triển dữ liệu công dân số, đến nay đạt được một số kết quả quan trọng tạo tiền đề phát triển xã hội số. Công tác quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Hiện nay tỉnh đang tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai mô hình thành phố thông minh, do đó việc Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định ban hành Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) mới đây nhằm thống nhất kiến trúc chung cho cả tỉnh trong việc xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, việc xây dựng ĐTTM phải đảm bảo xác định rõ các thành phần, hệ thống CNTT, thứ tự ưu tiên đầu tư, trách nhiệm của các đơn vị khi triển khai các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh. Khả năng kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ và sử dụng lại dữ liệu, cơ sở dữ liệu với hệ thống chính quyền điện tử tỉnh...
Lợi ích của ĐTTM
Theo nhận định của ngành chức năng, việc xây dựng ĐTTM là việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp CNTT trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, lợi ích thiết thực nhất phải kể đến là nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền tỉnh; các dịch vụ công, thông tin chính sách của chính quyền đều được cung cấp qua môi trường mạng và được tự động hóa khi xử lý, giúp xử lý hiệu quả và nhanh chóng những yêu cầu, thắc mắc của người dân và doanh nghiệp.
Không dừng lại, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ thông qua môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trực tuyến, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành và có đầy đủ cơ hội, thông tin để quyết định các phương án kinh doanh, phương án phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, ĐTTM còn giúp xã hội phát triển bền vững, giúp cho người dân có được môi trường sống thuận tiện, trong sạch, khỏe mạnh và an toàn; nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền tỉnh, khuyến khích sự sáng tạo và tham gia một cách tích cực của người dân vào công tác quản lý xã hội; phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Bình Thuận. Phối hợp với Sở Xây dựng đảm bảo việc triển khai Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM phù hợp với nội dung triển khai của Đề án ĐTTM đã được phê duyệt. Chủ trì, xây dựng kế hoạch để triển khai các nội dung của Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Bình Thuận.
Đối với các sở, ban, ngành cần nghiên cứu triển khai thực hiện các dự án ĐTTM thuộc ngành, lĩnh vực, phù hợp với Kiến trúc. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các dự án để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. Huy động các nguồn lực từ các bộ, ngành dọc, kêu gọi, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức; cung cấp dịch vụ theo ngành, lĩnh vực cho phát triển ĐTTM của tỉnh nói chung và của ngành, lĩnh vực nói riêng bằng các hình thức như đầu tư, hợp tác đầu tư...
Về phía UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT địa phương theo xu hướng, mô hình Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM và đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu đánh giá ĐTTM của tỉnh, của quốc gia và theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để đảm bảo sự kết nối và chia sẻ, tích hợp CSDL, thông tin số. Riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với định hướng phát triển ĐTTM của tỉnh, phù hợp với Kiến trúc ICT phát triển ĐTTM tỉnh Bình Thuận vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh của đơn vị, vừa góp phần thiết thực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.