Sản xuất rau an toàn mang lại lợi nhuận cao

Kinh tế - Ngày đăng : 10:52, 04/01/2024

Những năm gần đây, sản xuất rau an toàn đang có xu hướng phát triển mạnh ở huyện Hàm Thuận Bắc. Không ít nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ xu hướng canh tác này.

Năm 2018, trong lúc giá cả thanh long bấp bênh, anh Lê Thanh Tạo quyết định phá bỏ 5 sào thanh long để chuyển sang trồng rau. 2 năm sau đó anh tiếp tục chuyển 2 sào lúa kém hiệu quả sang trồng rau xanh và giữ ổn định diện tích 7 sào chuyên canh rau cho đến nay. Các loại rau được anh trồng chủ yếu là ớt, bí đao, cà chua, khổ qua và dưa leo…

vlcsnap-2024-01-03-16h12m07s086.png

Tùy vào đặc điểm của từng loại rau, anh Tạo bố trí thời vụ sản xuất phù hợp. Đối với những loại rau chịu nước như dưa leo, bí đao, khổ qua được anh sản xuất nhiều trong mùa mưa, còn những loại rau dễ bị sâu bệnh do điều kiện thời tiết ẩm ướt như ớt thì anh bố trí sản xuất trong mùa nắng... Để mang lại hiệu quả, anh Tạo sản xuất luân canh nhiều loại rau trên cùng diện tích đất nhằm tránh tình trạng mầm bệnh lưu dẫn từ vụ trước sang vụ sau. Đặc biệt việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật được anh thực hiện đúng quy trình, theo nguyên tắc “4 đúng”, hạn chế dùng phân - thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh trên rau; quá trình phun thuốc đảm bảo thời gian cách ly 7 ngày mới tiến hành thu hoạch. Nhờ chăm sóc khoa học, quản lý tốt sâu bệnh, 7 sào rau xanh của anh Tạo luôn phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Đối với dưa leo cho năng suất trên dưới 2,5 tấn/sào /vụ; khổ qua khoảng 2 tấn/sào/vụ; bí đao từ 2 - 3 tấn/sào/vụ; cà chua gần 2 tấn/sào/vụ và ớt từ 1 - 1,5 tấn/sào/vụ…

vlcsnap-2024-01-03-16h10m22s876.png

Anh Tạo cho biết, ưu điểm của việc sản xuất rau xanh trong những năm gần đây là thị trường tiêu thụ ổn định; hơn nữa nhờ sản xuất rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên sản lượng rau của gia đình anh được thương lái thu mua toàn bộ, không có tình trạng ế ẩm. Những năm trước đây giá các loại rau như bí đao, cà chua, khổ qua, dưa leo dao động ở mức 8.000 - 12.000 đồng/kg, ớt 20.000 - 25.000 đồng/kg bình quân anh thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/sào/vụ, trừ chi phí còn lãi 10 - 15 triệu đồng; với 7 sào rau xanh anh thu nhập 140 - 210 triệu đồng/vụ, lợi nhuận thu về từ 70 - 105 triệu đồng; bình quân mỗi năm anh sản xuất 3 vụ rau, cho thu nhập 420 - 630 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Riêng năm 2023, giá cả các mặt hàng rau xanh đồng loạt giảm, nhưng anh vẫn đạt lợi nhuận hơn 140 triệu đồng/7 sào rau, cao gấp 3 lần lúa. Hiện tại, anh có khoảng 1,5 sào ớt chỉ thiên đang thời kỳ thu hoạch, năng suất dự kiến đạt hơn 1,5 tấn, bán với giá 35.000 đồng/kg, dự ước thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhận thấy việc sản xuất rau xanh mang lại hiệu quả, anh Lê Thanh Tạo đã vận động 28 hộ dân trong thôn thành lập Chi hội nghề nghiệp chuyên sản xuất rau xanh với tổng diện tích 10ha. Quá trình sinh hoạt, anh chủ động hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật sản xuất rau theo hướng sạch, an toàn. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, rau xanh do các hộ này sản xuất cũng dần khẳng định thương hiệu, được tiểu thương ở các chợ đầu mối tìm đến đặt mua, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập...

“Dù sản lượng rau xanh sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, nhưng với mục tiêu đưa sản phẩm rau vào các cửa hàng bách hóa xanh, siêu thị, Hội Nông dân xã đang đồng hành cùng Chi hội nghề nghiệp thôn 2 và anh Lê Thanh Tạo tích cực tìm hiểu, vận động, hướng dẫn các hội viên trong Chi hội áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn nhằm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp chứng nhận VietGAP, tạo thương hiệu cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo chỗ đứng vững chắc ở các thị trường khó tính như bách hóa xanh, siêu thị...” - bà Phạm Thị Lựu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn cho biết.

Linh Nguyễn