Sách tết
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:58, 02/02/2024
Qua tìm hiểu được biết, dòng sách tết ở nước ta xuất hiện từ những năm đầu thế kỷ XX. Cụ thể, vào năm 1928 tại Hà Nội, hiệu sách Tân Dân (sau phát triển thành một nhà xuất bản) cho ra mắt ấn phẩm mừng xuân với tên gọi Sách xem tết năm Mậu Thìn.
Sách tết năm Mậu Thìn 1928
Theo bản sách (file pdf) mà chúng tôi tìm được trên trang web của Thư viện Quốc gia Pháp, Sách xem tết năm Mậu Thìn có số trang khiêm tốn, số bài viết cũng ít (16 bài), không có ảnh minh họa.
Tuy ít về số bài nhưng có đủ các thể loại. Có thể kể ra các bài luận: Mừng xuân, Lời cảm tưởng về cảnh xuân…; thơ có bài: Ngơ ngẩn vì xuân, Đề núi non nước, Tặng bạn…; tiểu thuyết thì có: Chung lưng, Chơi xuân, Hai cảnh gia đình, Đôi bạn đi đường, Bảy vía còn ba… và cả truyện cười, câu đối, hát nói, cuộc thi viết đoản thiên tiểu thuyết.
Ngoài 78 trang chính văn, Sách xem tết năm Mậu Thìn có đăng quảng cáo giới thiệu sách mới, tiệm thuốc, hiệu chụp ảnh, các loại hàng hóa phục vụ tết như: trà, bánh, rượu, pháo, đồ gỗ, vải… và cả nước mắm Liên Thành (Phan Thiết) nữa.
Sách xem tết năm Mậu Thìn 1928 nội dung tuy còn sơ sài, đơn điệu về hình thức; xong đặt trong bối cảnh đương thời thì đây thực sự là một văn đàn có giá trị để các bậc mặc khách tao nhân công bố những án văn chương kiệt tác của mình, là món quà xuân có ích cho tinh thần, cho tri thức. Đúng như lời nói đầu sách, “dẫu toàn là văn chơi nhưng bài nào cũng giữ một thái độ rất đứng đắn”. Hôm nay xem lại cuốn sách tết viết 96 năm trước dịp tết năm Thìn (Mậu Thìn -1928) phần nào giúp ta biết được lối nghĩ, cách viết của những cây bút tiền bối, cũng như thú vui xuân thưởng tết của ông bà mình ngày xưa như thế nào.
Sách tết năm Giáp Thìn 2024
Kế thừa những năm trước, sách tết năm nay cũng là hợp tuyển văn, thơ, nhạc, họa với chủ đề mùa xuân và ngày tết với nhiều cung bậc cảm xúc thú vị. Giai phẩm xuân Giáp Thìn có 5 phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc và Họa.
Khúc dạo đầu của mùa xuân mở đầu là bài viết Có ai còn tên Xoan là hoài niệm của tác giả Trung Sỹ về những hàng cây xoan ở làng quê Bắc bộ. Cứ mỗi độ xuân về, xoan bắt đầu ra lộc lấm tấm xanh và hoa xoan có màu tím nhạt, hương thơm ngát dịu. Nhưng qua thời gian những hàng xoan của làng quê Bắc bộ nay đã vắng bóng. Còn “Sử nhân Hà Nội” – nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến với tư liệu phong phú đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về phong tục đón xuân của dân Hà thành xưa. Ông cho biết: “Để ăn một cái tết chững chạc, mỗi gia đình phải mua sắm ngót nghét trăm thứ…. Tuy nhiên không một chợ truyền thống nào ở Thăng Long – Hà Nội có đầy đủ mặt hàng để thỏa mãn cái sang, cái cầu kỳ. Vì thế đã xuất hiện chợ tết phố Hàng, nơi chuyên bán những sản vật ngon nhất”. Cụ thể, Hàng Lược bán hoa; Hàng Buồm có đầy đủ sản vật các miền núi, biển, đồng bằng là nguyên liệu (cùng với thịt thà) làm nên mâm cỗ 4 bát 6 đĩa; thức uống Hàng Đường, còn mua tranh con giáp hay câu đối tết không thể không ghé “chợ chữ” đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc ngày nay… Nhưng từ nửa cuối thế kỷ XX, chợ tết phố Hàng ở Hà Nội dần mai một và dứt hẳn. Một ly chúc sức khỏe (Thư Uyển), Sự trở về bất tận (Cao Huy Thuần), Tết quê nhà (Nguyễn Trọng Chức), Mùng một gặp thị nở, ngày rằm đón đại gia (Kiều Bích Hương)… là những nỗi lòng của người Việt xa xứ trong dịp tết đến xuân về.
Chiếm dung lượng lớn nhất trong sách tết năm 2024 là những sáng tác đầy cảm xúc trong phần Văn và Thơ. Mở đầu phần Văn là tác phẩm Tiền rơi ở chợ hoa (Hoàng Công Danh) kể lại câu chuyện “buôn có bạn” của 2 cụ già (60 tuổi) bán hoa ở chợ tết. Tác giả Hữu Vi với Lấy nhau mà như đùa là hành của nhân vật Vui tại vùng cao biên giới phía Bắc (giáp nước bạn Lào) chiều cuối năm. Tại đây anh gặp Sa, rồi bắt cô ấy về nhà làm vợ. Thế là, “ra tết thì Kẻ Hin có đám cưới. Vui cưới vợ”. Tinh thần anh dũng của người Việt Nam từ chiến tranh bước ra thời bình được khắc họa qua Cuộc đấu của gà chọi (Ma Văn Kháng). Hồ Anh Thái với Mr. Nem người vận chuyển là câu chuyện vui trong ngành ngoại giao nước ta những năm trước đổi mới... Và rất nhiều câu chuyện khác như: Con quạ may mắn (Huỳnh Trọng Khang), Biển mịt mờ (Lê Minh Khuê), Dắt nhau đi (Văn Thành Lê), Chiến dịch chuyển trường (Phan Thị Vàng Anh)… Phản ánh nhiều góc nhìn của các tác giả về con người và hiện thực đời sống đương đại rất thú vị.
Phần thơ, tác giả Văn Hiền cho biết: “Tết quê đến có muộn hơn/Cũng vuông tròn bánh – nước non thuở nào” (Tết quê). Là tâm trạng nhớ nhà, nhớ mẹ cha trong những mùa xuân xa xứ: “Năm nay nữa chắc rồi không dám hẹn/Sợ sương rơi tóc bạc da mồi/Đêm trừ tịch mẹ có ngồi tựa cửa/Ngóng con về xông đất nữa mẹ ơi?” (Xuân lỡ hẹn - Tú Uyên). Mẹ đi chợ tết (Trần Đức Cường) là cảm xúc háo hức của những em bé quê khi thấy mẹ đi chợ và “mang cả mùa xuân theo về”. Mưa xuân tuy được Nguyễn Bính (1918-1966) viết cách nay gần 90 năm nhưng vẫn mang sức sống bất tận…
Phần Nhạc là 3 bài bình của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu về các bài hát nổi tiếng: Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Lối nhỏ vào đời (Phạm Minh Tuấn) và Ru em từng ngón xuân nồng (Trịnh Công Sơn).
Phần Họa năm nay là bài viết của Nguyễn Lệ Chi giới thiệu họa sĩ Nguyễn Trung với một hành trình “vẽ - viết - đọc” không mệt mỏi, cùng phong cách vẽ phụ nữ Việt Nam khác biệt của ông. Sách tết khép lại với bài viết về cuốn sổ tay (Codex Leicester) của thiên tài hội họa Leonardo da Vinci.
Tác giả Đăng Bảy cho biết đó là “một bản thảo hiếm hoi, chứa đựng nhiều ý tưởng và phát minh về nhiều chủ đề khác nhau”. Những trang viết còn được làm đẹp bởi những hình minh họa đa sắc màu, phản ánh không khí vui tươi, ấm áp của ngày xuân năm mới từ các họa sĩ: Kim Duẫn, Quyên Thái, Đào Hải Phong, Ngô Xuân Khôi, Đặng Xuân Hòa, Tạ Huy Long, Đỗ Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ…
So với cuốn sách tết ra đời 96 năm về trước, Sách tết năm nay (Giáp Thìn - 2024) được in màu bằng công nghệ hiện đại trên giấy tốt, được nhà làm sách chăm chút kỹ càng về cả phần nội dung và hình thức nên rất hấp dẫn từ phần đọc đến phần nhìn. Có thể nói thời nào cũng vậy, sách tết thật sự là một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, là giai phẩm xuân đáng để nhâm nhi tết và làm quà tặng trong dịp năm mới.