Khu vực kinh tế tập thể sẽ chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 15:37, 02/02/2024

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20 ngày 16/6/2022 của Trung ương - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới” vừa diễn ra sáng nay (2/2).

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, đại diện các sở, ban, ngành liên quan cùng dự tại điểm cầu UBND tỉnh Bình Thuận.

Báo cáo tại diễn đàn cho biết, năm 2023 cả nước có khoảng 31,7 ngàn hợp tác xã (HTX), tăng 2.200 HTX so với năm 2022. Doanh thu bình quân gần 3,6 tỷ đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động đạt 56 triệu/người/năm. Tại Bình Thuận, tính đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 219 HTX, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 5,3%, với tổng số thành viên HTX gần 50.000 thành viên. Trong đó, có 197 HTX đang hoạt động (có đến 146 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp). Trong năm thành lập mới 15 HTX, giải thể 5 HTX. Khu vực kinh tế tập thể, HTX có sự phát triển ổn định cả về số lượng, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của lao động.

img_5917.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng tại điểm cầu Bình Thuận.

Tại diễn đàn, các đại biểu đều có chung nhận định: Phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX luôn là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Kinh tế tập thể không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống thành viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi. Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đồng thời, hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.

z4745379301763_e32021fef62ced09bf994fcdbd9e1ad3-1-.jpg
Kinh tế tập thể không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập.

Đánh giá cao các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, hướng tới đáp ứng những đòi hỏi khách quan cần đổi mới của mô hình kinh tế tập thể, HTX sao cho hiệu quả, bền vững. Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Vì vậy, cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tập thể; nỗ lực “bắt kịp, tiến cùng, vươn lên” với các thành phần kinh tế khác...

img0890-17068413661081257824231.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn (nguồn internet)

Bên cạnh đó, đề nghị khu vực kinh tế tập thể, HTX phải tự chủ động, nỗ lực thoát khỏi những rào cản, vướng mắc, tự vươn lên; chuyển hướng mạnh mẽ cả tư duy và hành động theo xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển cả số lượng lẫn chất lượng; chú trọng nâng vốn, tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất…
Sau khi giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng khu vực kinh tế tập thể sẽ chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW.

M. Vân