Từ vụ án điểm vi phạm IUU ở Kiên Giang

Kinh tế - Ngày đăng : 15:00, 06/02/2024

Cuối tháng 1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo sống tại tỉnh Kiên Giang về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, từ 1 đến 8 năm tù giam.

Vụ án này có liên quan đến việc đưa tàu qua vùng biển của nước khác đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm quy định về chống khai thác bất hợp pháp IUU. Đây là vụ án được xử đầu tiên của cả nước sau hơn 5 năm chống khai thác bất hợp pháp nhưng chưa xử lý trường hợp nào. Kiên Giang là một trong những tỉnh có số lượng tàu cá nhiều nhất cả nước, đồng thời, cũng là tỉnh có nhiều tàu thuyền vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Có thể thấy, từ khi Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, trên cả nước còn xảy ra nhiều vụ đánh bắt hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, tuy nhiên hầu hết các vụ việc này chỉ bị xử phạt hành chính. Đây là vụ án hình sự đầu tiên về hành vi đưa tàu và ngư phủ ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Việc xử phạt nặng các ngư dân theo Luật Thủy sản 2017 nhằm răn đe và cảnh báo cho ngư dân trong cả nước, đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài sẽ mất tất cả. EC khẳng định sẽ không xem xét gỡ “thẻ vàng” nếu Việt Nam tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và có nguy cơ bị cảnh báo “thẻ đỏ”. Việc này không chỉ tác động nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín, vị thế ngoại giao của quốc gia trên trường quốc tế.

z3793113061072_cd554b02c872d81948c77e96795668b3.jpg
Số vụ vi phạm về IUU ở Bình Thuận đã giảm qua từng năm.

Được biết, tại Bình Thuận số vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài vẫn còn, nhưng đã giảm dần qua từng năm. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 2 tàu cá ở thị xã La Gi với số tiền 900 triệu đồng vì vi phạm vùng biển nước ngoài. Để chấm dứt hoàn toàn trường hợp trên, cũng như chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của EC, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tại các cuộc họp gần đây với 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong thi hành công vụ, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “Thẻ vàng” của cả nước. Song song đó, kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ các tấm gương điển hình trong chống khai thác IUU.

z3983502129992_9123337ef0f14926c04fdaf466815263.jpg
Các địa phương cần tranh thủ dịp các tàu cá, ngư dân về nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tổ chức tuyên truyền.

Thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai rất nhiều biện pháp cấp bách, trong đó tập trung quản lý, giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài (đặc biệt lưu ý hoạt động của các tàu câu khơi tại địa bàn: La Gi, Phú Quý, Hàm Tân... thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn). Đặc biệt, tỉnh còn phối hợp lực lượng chức năng các tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh; ưu tiên bố trí lực lượng tại các địa bàn trọng điểm vừa tuyên truyền vận động, vừa nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ sớm từ xa, kiên quyết không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Tiếp tục rà soát hồ sơ, xử phạt dứt điểm các trường hợp vi phạm còn thời hạn, thời hiệu, hoàn thành trước ngày 30/4/2024 và điều tra, truy tố các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, các địa phương đã tuyên truyền sâu rộng đến từng gia đình ngư dân, đưa tin kịp thời các trường hợp vi phạm khai thác IUU bị xử lý theo quy định để răn đe, giáo dục; tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên ngư dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thông qua hệ thống giám sát tàu cá VMS, sớm phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vượt ranh giới trên biển. Tập trung nguồn lực triển khai công tác đăng ký, đăng ký tạm thời đối với các tàu cá “3 không” đang hoạt động để theo dõi, quản lý…

ca-ve-cang-phan-thiet-anh-n.-lan-28-.jpg
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU.

Tại cuộc họp lần thứ 9 BCĐ Quốc gia về chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, nhất là vùng biển giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác để xử lý, kiểm tra việc thực hiện khuyến nghị của EC tại các địa phương và các công việc phát sinh. Ngoài ra, các địa phương cần tranh thủ dịp các tàu cá, ngư dân về nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 để tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của thuyền trưởng, chủ tàu, ngư dân; kiểm soát và quản lý đội tàu trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm khai thác IUU, đảm bảo thực thi pháp luật giữa các địa phương.

Song Nguyên