Ngành dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD vào năm 2024
Trong nước - Ngày đăng : 10:20, 16/02/2024
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang hướng đến nâng cao hơn nữa năng lực, tay nghề người lao động, linh hoạt trong sản xuất, chấp nhận các đơn hàng khó, có tính kỹ thuật phức tạp nhưng có giá trị gia tăng cao…
Hiện tại, lượng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã có tín hiệu tích cực, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý I, đang đàm phán cho những quý tiếp theo. Để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, bảo toàn lực lượng lao động, doanh nghiệp đang tiếp tục mục tiêu đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh phát triển bền vững. Các doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư vào công nghệ hóa, tự động hóa ở các dây chuyền sản xuất nhằm bảo đảm tiến độ giao hàng.
Ảnh minh họa
Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: "Ở thời điểm này, đơn hàng đủ hay dài hay là cứ duy trì đàm phán đơn hàng, từng tháng, 2 tháng - 3 tháng, chúng ta phải tính toán.
Mọi thứ ở thị trường tiêu thụ lớn chưa có gì thay đổi, về mặt đơn giá là chưa cải thiện nhiều. Năm vừa rồi có câu chuyện tích cực, bản thân thị trường đã thanh lọc rất nhiều các nhà cung cấp không có đủ năng lực, đáp ứng với yêu cầu mới của thị trường, những đơn vị còn lại, trụ lại được sau giai đoạn khó khăn vừa qua thì chắc chắn sẽ duy trì vị thế tốt".
Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân người lao động. Việc này không chỉ đảm bảo nguồn lực mà còn khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.