Từ ăn trứng rùa trở thành người bảo vệ
Quốc tế - Ngày đăng : 15:45, 18/02/2024
Khi còn nhỏ, Magata Behara và các thành viên trong gia đình ở làng chài ven biển của bang Odisha thuộc miền Đông Ấn Độ thường ăn trứng Vích. Nhưng hiện Magata Behara là thành viên của một nhóm người bảo vệ Vích và lên án những người ăn trứng của chúng để cứu chúng khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.
Mỗi năm cứ từ tháng 2 đến tháng 4, hàng triệu con Vích bơi gần 500km đến bờ biển Odisha ở Vịnh Bengal để làm tổ đẻ trứng. Behara, 40 tuổi, nói với tờ The National: “Khi còn nhỏ, tôi cũng như người dân trong làng thường ăn trứng Vích, chủ yếu là do thiếu nhận thức. Mọi người không biết Vích quý hiếm đến mức nào nhưng bây giờ đã hiểu”.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt Vích là một trong những loài dễ bị tổn thương, nghĩa là chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Vích có tên tiếng Anh Ôliu Riddle Tortoise, tên khoa học là Lepidochelys olivacea. Là một trong những loài rùa biển nhỏ nhất, con trưởng thành có chiều dài khoảng 76cm và nặng dưới 50kg. Được tìm thấy ở vùng biển Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, chúng di chuyển hàng nghìn km mỗi năm giữa nơi kiếm ăn và nơi sinh sản.
Theo Quỹ Quốc tế về bảo tồn Thiên nhiên (WWF), mặc dù việc buôn bán thịt, vỏ và da của chúng bị cấm theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng nạn săn bắt trộm Vích còn phổ biến, với chợ buôn bán trứng lớn ở các vùng ven biển.
Tuy nhiên, lo ngại nhất là những con Vích trưởng thành lọt vào lưới đánh cá của ngư dân và bị giết chết khi chúng đang đến gần bãi biển làm tổ trong mùa giao phối, WWF cho biết. Vích đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ven biển... khi vỏ trứng của chúng làm phân bón cho thảm thực vật dọc bờ biển.
Chính quyền Ấn Độ đã bảo vệ loài rùa này từ năm 1972 bằng việc cấm người dân ăn trứng. Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của Odisha đã cấm các tàu đánh cá hoạt động trong khu vực rộng 20 km tính từ bờ biển ra ngoài khơi, dọc theo bờ biển khoảng 120 km trong mùa sinh sản. Song biện pháp này chỉ bắt đầu có hiệu lực sau khi giáo dục, thu hút và hỗ trợ người dân địa phương.
Sunny Khokhar, một quan chức về động vật hoang dã của Odisha nói với tờ The National: “Chính phủ thúc đẩy việc bảo tồn Vích vì đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng”. "Trên thế giới chỉ có ba địa điểm Vích làm tổ đẻ trứng nhiều, đó là ở Mexico và hai điểm ở bang Odisha, ông Khokhar nói thêm. Đồng thời, ông cho biết, Cục bảo vệ động vật hoang dã trả cho mỗi hộ ngư dân 180 USD/tháng trong thời gian lệnh cấm đánh bắt Vích có hiệu lực và cũng thuê họ giúp Vích về làm tổ và đẻ trứng một cách an toàn. Theo dõi số lượng Vích làm tổ, rào chắn các địa điểm làm tổ. Các tình nguyện viên trong làng, bảo vệ các địa điểm làm tổ của chúng trong khoảng thời gian từ 45 đến 60 ngày khi trứng nở.
Bipro Behara, một tình nguyện viên cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy chúng là năm 12 tuổi. Tôi rất sợ, nhưng giờ tôi đã quen với Vích. Tôi tình nguyện bảo vệ Vích trong mùa làm tổ hàng năm. Chúng tôi tuần tra vào ban đêm, quan sát bãi biển và khi có nhiều tổ, chúng tôi bảo vệ không để chim và chó phá hoại”.
Vích cũng đối mặt với mối đe dọa từ tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Odisha là một trong những bang của Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Theo Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước, một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Delhi, thảm họa thiên nhiên đã gia tăng gấp ba lần ở bang này từ năm 1970 đến năm 2019.
Odisha thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn lốc xoáy hình thành ở Vịnh Bengal. Những giông bão như vậy có thể cuốn trôi trứng Vích, nhiệt độ tăng cao cũng gây ra mối đe dọa thay đổi tỷ lệ giới tính của Vích. Ông Khokar nói: “Nhiệt độ tăng có thể làm xáo trộn hoặc mất cân bằng tỷ lệ của Vích, vì nhiệt độ ấm Vích cái được sinh ra nhiều hơn Vích đực”.