Tánh Linh: Tập trung bảo vệ rừng ngay từ đầu năm

Pháp luật - Ngày đăng : 05:42, 19/02/2024

Với những kết quả đạt được cùng những yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ rừng, ngay từ đầu năm 2024, Tánh Linh tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm bảo vệ rừng tận gốc, ngăn chặn hiệu quả hành vi khai thác rừng, đồng thời làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng…

Đánh giá rõ thực trạng

Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Tánh Linh được các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các cơ quan lâm nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2023, toàn huyện đã phát hiện 75 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 6 vụ so với năm trước; xử lý 99 vụ vi phạm (24 vụ năm 2022 chuyển sang), trong đó, xử lý hình sự 2 vụ, xử lý hành chính 59 vụ, ra thông báo truy tìm chủ sở hữu 24 vụ, chuyển chủ rừng theo dõi 14 vụ. Trong năm qua, Tánh Linh xảy ra 4 trường hợp cháy rừng, tuy nhiên chủ yếu là cháy thực bì, không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

rung.jpg
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xác minh hiện trạng rừng tự nhiên.

UBND huyện Tánh Linh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật từng lúc từng nơi vẫn còn xảy ra phức tạp, công tác theo dõi diễn biến rừng một số đơn vị chưa kịp thời. Đáng quan tâm, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện bị giảm 3,2 ha do phá rừng trái pháp luật. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, tàng trữ, vận chuyển lâm sản vẫn còn xảy ra tại một số khu vực, nhất là trên lâm phận Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh. Công tác tuần tra, kiểm tra rừng “tại gốc” của các trạm bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, có lúc chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình hình vi phạm. Cụ thể, vi phạm về quản lý hồ sơ lâm sản, vi phạm quy định về quảng cáo kinh doanh động vật rừng trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...) và hành vi mang công cụ, phương tiện vào rừng tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là súng hơi tự chế.

Theo UBND huyện Tánh Linh, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên do địa bàn huyện rộng, diện tích rừng lớn, tiếp giáp với đất sản xuất của người dân và có nhiều vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và lực lượng kiểm lâm mỏng. Bên cạnh, chế độ tiền lương của lực lượng bảo vệ rừng thấp, do đó nhiều nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ La Ngà, Trị An, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sông Dinh xin nghỉ việc, dẫn đến thiếu hụt lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, chủ rừng và chính quyền địa phương có nơi chưa quyết liệt.

Ra sức giữ rừng

Với quyết tâm làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ rừng, UBND huyện Tánh Linh cho biết, đã giao Hạt Kiểm lâm Tánh Linh (Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng) phối hợp với các ngành chức năng liên quan, chủ rừng, thường xuyên giám sát, quản lý nguồn gốc lâm sản (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, động vật rừng) tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh lâm sản trên địa bàn huyện. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nếu có hành vi phá hoại rừng, lấn chiếm rừng, sử dụng, mua, bán, chế biến lâm sản, quảng cáo có nguồn gốc trái pháp luật. Thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin hai chiều với các đơn vị huyện bạn để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng tại các khu vực giáp ranh.

Huyện yêu cầu các đơn vị chủ rừng rà soát xác định cụ thể từng địa bàn, khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng để xây dựng phương án, kế hoạch truy quét bảo vệ rừng năm 2024; bố trí lực lượng bảo vệ rừng đủ mạnh để tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng định kỳ, đột xuất, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc. Quản lý chặt diện tích còn rừng tự nhiên; phát huy công trình phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng canh phòng tại các vùng trọng điểm. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, nghiêm cấm tình trạng săn, bắt, bẫy động vật rừng và khai thác lâm sản ngoài gỗ (tre, nứa, lồ ô, cây dược liệu...) khi chưa được cấp phép khai thác. Yêu cầu đặt ra, mọi trường hợp vi phạm phải kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra mất rừng và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an huyện phải chỉ đạo tăng cường công tác nắm chắc di biến động của những đối tượng đầu nậu, các đối tượng cầm đầu có hành vi tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, hủy hoại rừng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, điều tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật. Đối với UBND các xã, thị trấn phải có phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn; thành lập các tổ, đội quần chúng để hỗ trợ kịp thời cho các chủ rừng khi có cháy rừng xảy ra. Phối hợp kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm xâm hại đến rừng và đất rừng; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng trái quy định...

TẤN THÀNH