Lương tăng đột phá sau 1/7, lương hưu cao bất thường so với hiện tại?

Trong nước - Ngày đăng : 09:06, 20/02/2024

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương sau cải cách càng dài thì lương hưu càng tăng và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

Theo dự kiến, từ ngày 1/7/2024, việc cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được thực hiện với cán bộ, công chức, viên chức.

Chính vì vậy, việc cải cách chính sách tiền lương cũng tác động đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội với gần 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

chitraluonghuu050123-3.jpg

Chi trả lương hưu tại một điểm của Hà Nội. Ảnh: XC

Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức được hưởng mức tiền lương mới cao hơn mức lương theo hệ số quy định như hiện hành.

Tiền lương bình quân tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm đối tượng này hiện là 6,936 triệu đồng/tháng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự kiến từ 1/7/2024, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bình quân tăng thêm 54,89%.

Theo phân tích của BHXH Việt Nam, do chế độ lương hưu đang thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng (đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít) người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương sau cải cách càng dài thì mức bình quân tiền lương tháng đóng để tính lương hưu, trợ cấp một lần cũng tăng tương ứng và cao hơn so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

Điều này dẫn đến việc chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới.

Phương án điều chỉnh lương hưu hàng năm để đảm bảo lương hưu của người lao động nghỉ hưu trước "đuổi kịp" người nghỉ hưu sau ngày 1/7 sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất.

Để khắc phục vấn đề trên tại Luật BHXH sửa đổi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng cần sửa đổi quy định về cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, với người lao động theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2024, mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội áp dụng theo khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Với người lao động theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2024 trở đi, cơ quan Bảo hiểm xã hội đề xuất mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tính lương hưu là bình quân toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

H Lan (Tổng hợp)