Xuất khẩu hàng hóa: Kỳ vọng khởi sắc trong năm mới
Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 22/02/2024
Nhìn lại năm đã qua, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa tại địa phương tiếp tục chịu tác động trước bối cảnh khó khăn chung do xung đột giữa Nga - Ukraine và tình hình sau dịch Covid-19. Mặt khác, kinh tế toàn cầu cũng đứng trước nguy cơ suy giảm tốc độ tăng trưởng, người dân và Chính phủ các nước thắt chặt chi tiêu khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm nên ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận.
Kết quả thực hiện trong năm 2023 cho thấy, xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh chỉ đem về kim ngạch đạt 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so với năm trước đó. Đáng lưu ý là cả 2 nhóm hàng hóa xuất khẩu “đầu tàu” của địa phương đều giảm so cùng kỳ: Nhóm hàng thủy sản đạt 214,77 triệu USD (giảm 14,13%) và nhóm hàng hóa khác đóng góp 485,42 triệu USD (giảm 6,37%). Trong khi đó, dù nhóm hàng nông sản có mức tăng trưởng khá là đạt 14,25 triệu USD (tăng 9,86%) nhưng lại chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch, nên tác động không đáng kể đến kết quả xuất khẩu hàng hóa chung toàn tỉnh…
Bước sang năm 2024, ngành Công Thương Bình Thuận đặt kế hoạch hướng đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 791,3 triệu USD - con số này tuy thấp hơn gần 30 triệu USD so kế hoạch của năm 2023, nhưng tăng 10,76% so kết quả thực hiện năm ngoái. Thế nên tới đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn phải nỗ lực vượt khó, tận dụng tốt cơ hội mới mong hoàn thành chỉ tiêu đề ra vì tình hình kinh tế thế giới dự báo còn diễn biến khó lường.
Dù vậy tình hình xuất khẩu hàng hóa gần đây cũng cho thấy tín hiệu lạc quan, đó là các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng dệt may và da giày (thuộc nhóm hàng hóa khác) bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại trong 2 tháng cuối năm ngoái. Đối với nhóm hàng hải sản (chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hơn 30%), hiện toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu ủy thác sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu đa dạng mặt hàng như hải sản khô, hải sản đông lạnh các loại, sushi, sashimi, surimi - chả cá… vào các thị trường truyền thống cũng góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cho địa phương.
Thêm kỳ vọng khởi sắc nữa là ngay trong tháng “mở màn” năm mới (tháng 1/2024), xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận đã thể hiện mức tăng trưởng vượt bậc khi đạt kim ngạch 71,5 triệu USD, tăng 11,3% so tháng trước đó và tăng gần 70% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Nhóm hàng thủy sản ước đạt 18 triệu USD (tăng 31,9% so cùng kỳ) và nhóm hàng hóa khác ước thực hiện 52,7 triệu USD (tăng hơn 90%), riêng nhóm hàng nông sản ước đem về 0,8 triệu USD (giảm 12,6%). Trong đó giày dép và hàng dệt may là 2 mặt hàng góp phần tăng cao kim ngạch cho nhóm hàng hóa khác khi tại địa phương có năng lực tăng thêm nhờ Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam đi vào hoạt động từ 20/12/2023…
Được biết đến nay, Bình Thuận đã mở rộng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương đến gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Điển hình thị trường xuất khẩu chủ yếu của một số mặt hàng của tỉnh gồm: Hàng may mặc (Nhật Bản, Đài Loan), giày dép các loại (Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Italia, Canada). Còn với hải sản các loại thì tập trung xuất khẩu sang Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel, Srilanka… Ngoài ra còn có thị trường tiêu thụ sản phẩm thanh long (Thái Lan, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông, Australia), hạt điều nhân (Mỹ, Trung Quốc), cao su (Mỹ, Đài Loan). Cùng với đó, một số mặt hàng khác như đồ gỗ nội thất, giấy các loại, nước mắm... được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia, Bỉ, Nhật Bản, Hồng Kông.
Từ kết quả thực hiện của các nhóm hàng chủ lực trong tháng đầu năm mới và tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài cùng những tín hiệu lạc quan, xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận kỳ vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ để hướng đến hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2024…