Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:07, 22/02/2024
Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân tộc trong tỉnh đều có những loại hình di tích, danh thắng hàm chứa những giá trị cốt lõi, tinh túy của riêng mình trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở, là phương cách để gìn giữ văn hóa truyền thống.
Nguồn lực giá trị văn hóa
Ông Nguyễn Chí Phú - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, cho biết: Toàn tỉnh có hơn 300 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Toàn tỉnh hiện nay có 28 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của các di tích theo chiều hướng bền vững, tránh nguy cơ xâm hại và làm mất dần những giá trị văn hóa truyền thống; cũng như khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch một cách hợp lý, khoa học, theo hướng bền vững.
Năm 2023 là cột mốc thực hiện khá tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023 đã triển khai xây dựng hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh xếp hạng 3 di tích cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử - cách mạng Căn cứ kháng chiến Đồi Lồ Ô, xã Sùng Nhơn; di tích lịch sử - cách mạng Chiến thắng Xóm Mười Nhà xã Mê Pu, huyện Đức Linh; di tích lịch sử - văn hóa Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Đồng thời, thực hiện bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích: Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2017; được khởi công xây dựng vào ngày 15/1/2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 2/2/2023 đã góp phần vào việc phục hồi, lưu giữ lại các yếu tố gốc của di tích gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận, vừa phát huy các giá trị của di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Năm 2023, cũng là năm tập trung nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tu bổ, tôn tạo các di tích như: Đền thờ Thầy Sài Nại, xã Ngũ Phụng được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 2,998 tỷ đồng; Vạn Thạch Long phường Mũi Né được tu bổ, tôn tạo với kinh phí 2,493 tỷ đồng... Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai tu bổ, chống xuống cấp 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia: Đền thờ Pô Nít, xã Phan Hiệp (500 triệu đồng) và đền thờ Pô Klong Mơh Nai thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (1,297 tỷ đồng).
Đặc biệt trong năm 2023, các Di tích như Dục Thanh và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận (đón 165.718 lượt khách); tháp Pô Sah Inư (163.250 lượt khách); Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận (26.594 lượt khách); dinh Thầy Thím (60.000 lượt khách), vạn Thủy Tú (14.231 lượt khách), thắng cảnh Hòn Cau (12.026 lượt khách), thắng cảnh chùa Núi; thắng cảnh Bàu Trắng, cụm di tích chùa Cổ Thạch, Bãi đá Cà Dược (Bảy Màu), lăng Ông Nam Hải, đình làng Bình An, xã Bình Thạnh đón hơn 1 triệu lượt khách… đã và đang có sức thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Giải pháp phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở
Đề án “Điều tra, khảo sát, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Đề án này nhằm triển khai các giải pháp để quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch địa phương, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân trong thời gian đến đạt hiệu quả, thiết thực và bền vững.
Giải pháp phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở
Phải thừa nhận, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, tầm quan trọng của việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần tại cơ sở, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Rà soát, xây dựng chế độ, chính sách và bố trí nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp để phát huy tốt những ưu thế, sức mạnh nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh thường xuyên, bổ ích, thiết thực, hiệu quả tại cấp cơ sở.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng, phát huy các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí nhằm thu hút người dân tham gia sinh hoạt, vui chơi tại trung tâm xã cũng như Nhà Văn hóa thôn, khu phố. Tạo điều kiện để người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa cơ sở an toàn, lành mạnh...
Hy vọng phát triển, đẩy mạnh đi đôi với nâng cao hiệu của các hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là nâng cao hiệu quả các hệ thống thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là gắn kết chặt chẽ với các cuộc vận động và các phong trào, đưa các hoạt động của phong trào tại các thiết chế văn hóa đi vào chiều sâu đúng thực chất, phát huy vai trò của các hệ thống thiết chế văn hóa với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.