Cần có suy nghĩ khác về kinh tế tập thể

Kinh tế - Ngày đăng : 05:23, 27/02/2024

Tại diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “KTTT, HTX phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để tự lực, tự cường vươn lên từ bàn tay, khung trời, mảnh đất của mình. Không trông chờ, ỷ lại; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…”.

Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20 - NQ/TW - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới”. Thủ tướng cũng nêu rõ: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển KTTT, HTX. Đến nay, khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Các HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ; hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tính liên kết giữa các HTX và với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển.

z4801437352218_251781e36c9cc6c65c6be9ac80a76c17.jpg
KTTT, HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp.

Với nhiều cách làm sáng tạo, những năm qua việc chuyển đổi mô hình từ HTX kiểu cũ, kém hiệu quả, sang mô hình HTX kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên địa bàn cả nước nói chung và ở Bình Thuận nói riêng cơ bản đã hoàn thành. KTTT, HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn, phục vụ chế biến, xuất khẩu tại nhiều địa phương và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

z4385693815710_6d5bc840af6e287184609e0194d52c1d.jpg
Đến nay, khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài.

Tính đến nay, cả nước có hơn 31,7 ngàn HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 ngàn tổ hợp tác. Riêng Bình Thuận, tính đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 219 HTX, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 5,3%, với tổng số thành viên HTX gần 50.000 thành viên. Trong đó, có 197 HTX đang hoạt động (có đến 146 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp). Trong năm thành lập mới 15 HTX, giải thể 5 HTX. Khu vực KTTT, HTX có sự phát triển ổn định cả về số lượng, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của lao động. Năm qua, doanh thu bình quân của các HTX nước ta đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35%; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với cùng kỳ.

_dsc0131.jpg
Nhiều HTX có cách làm hay, đã phát huy được các thế mạnh của địa phương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, khu vực KTTT, HTX đóng góp gần 4% vào GDP. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cả nước có hơn 5.300 chủ thể; trong đó, 38,1% sản phẩm OCOP là từ các HTX. Vai trò của KTTT, kinh tế HTX trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo được phát huy tích cực, góp phần xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày càng phát triển.

z4878375798017_93640f3a225e5c3402e37c79712f86b0.jpg
Các tổ chức KTTT phải đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Mặc dù vậy, khu vực KTTT, kinh tế HTX của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu và đòi hỏi trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay. Tốc độ phát triển của KTTT, HTX mới chỉ bằng 50% tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thậm chí, tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực này đang có xu hướng giảm qua các năm gần đây. Minh chứng cụ thể nhất là đóng góp vào GDP của KTTT và HTX từ năm 2001 - 2020 đã giảm từ 8,06% xuống còn 3,62%. Đặc biệt, Nghị quyết số 20 -NQ/TW cũng chỉ rõ: “Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi”.

Thêm vào đó, sản xuất, kinh doanh của nhiều HTX hiện vẫn chưa đạt hiệu quả cao và chưa có khả năng lan tỏa. Mặt khác, trình độ tổ chức, quản lý của cán bộ HTX vẫn còn nhiều bất cập, thiếu và yếu về năng lực điều hành. Số cán bộ quản lý HTX có trình độ sơ, trung cấp mới đạt 36%; trình độ cao đẳng, đại học chỉ ở mức 23%. Đồng thời, vẫn còn đó những vướng mắc trong thủ tục tiếp cận các nguồn vốn nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị vẫn chưa mặn mà đầu tư vào khu vực KTTT, HTX.

Gần đây, nhiều HTX trong tỉnh đã có cách nghĩ và cách làm khác, họ đã phát huy được các thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư công nghệ để mở rộng sản xuất hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Nhiều sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 4 - 5 sao thuận lợi để phát triển thành nguồn hàng tiêu dùng. Để làm được điều đó, ngoài tiếp cận được nguồn vốn, vai trò của người đứng đầu KTTT, HTX rất quan trọng, phải năng động, sáng tạo, luôn chú trọng yếu tố tiếp thị khách hàng và đầu ra của sản phẩm…

Vì thế, thông qua diễn đàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành sớm ban hành triển khai thực hiện Luật HTX năm 2023. Tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực hỗ trợ các HTX, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, đầu tư, quảng bá thương mại. Các tỉnh, thành phố chủ động bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho khu vực KTTT trọng tâm, trọng điểm; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các HTX cũng nên tăng cường liên kết giữa các thành viên, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động... Các tổ chức KTTT phải đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Bởi, “KTTT là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” - như Nghị quyết số 20-NQ/TW khóa XIII đã xác định.

Minh Vân