Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện ma túy

Pháp luật - Ngày đăng : 05:35, 27/02/2024

Việc tích hợp thông tin người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vào hệ thống dữ liệu quốc gia sẽ giúp công tác quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả hơn.

Còn nhiều khó khăn

Năm 2023, các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy và quản lý người nghiện. 90% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ điều trị, cai nghiện. Toàn tỉnh không có tụ điểm phức tạp về ma túy. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong năm 2023, lực lượng Công an triệt phá 514 vụ/765 đối tượng; lực lượng Bộ đội Biên phòng triệt phá 34 vụ, bắt giữ 36 đối tượng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật.

5c0a5fd5050fae51f71e(1).jpg

Nổi bật trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy thời gian vừa qua là việc các ngành chức năng đã tích hợp 1.336 thông tin về người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người quản lý sau cai nghiện, người có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá” vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá toàn diện thực trạng và đề ra các giải pháp quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy hiệu quả hơn. Công tác thống kê, xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ, quản lý người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có nhiều cố gắng, toàn tỉnh đã lập 208 hồ sơ theo Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và 491 hồ sơ theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng, chống ma túy được chú trọng triển khai đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, các địa bàn dân cư, nhất là các địa bàn trọng điểm về ma túy với nhiều hình thức đa dạng, từng bước mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Số xã, phường, thị trấn có ma túy trên địa bàn tỉnh còn nhiều. Năm 2023, toàn tỉnh có 113/124 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy tăng 4 địa phương so với năm 2022. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền chưa được tập trung đúng mức, thiếu sự quyết liệt; chưa thực sự huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc chung tay phòng, chống và kiểm soát ma túy; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống ma túy còn dàn trải, thiếu chiều sâu. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng trồng cây cần sa. Công tác quản lý người nghiện ngoài xã hội chưa chặt chẽ. Hiệu quả công tác quản lý sau cai nghiện còn thấp, tỷ lệ tái nghiện còn cao. Các hình thức hỗ trợ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sau cai nghiện chưa thật sự hiệu quả.

98b008274cffe6a1bfee.jpg

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là khi giao thông đối ngoại của tỉnh được khơi thông, kinh tế - xã hội của tỉnh dự kiến sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới. Tình trạng tội phạm lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ để sản xuất các loại ma túy tổng hợp, ma túy “núp bóng” các loại thức ăn, nước uống ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Tình trạng tội phạm lợi dụng những địa bàn rừng, núi, vùng sâu, vùng xa, khu bảo tồn thiên nhiên ít người đi lại để trồng cây cần sa vẫn có nguy cơ tái diễn. Tình hình tội phạm mua bán lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng hướng đến giới trẻ, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tình trạng đối tượng nghiện ma túy vi phạm pháp luật, hoặc sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần, “ngáo đá” thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có xu hướng gia tăng, là nguy cơ gây mất an ninh trật tự, gây bức xúc và đe dọa cuộc sống bình yên của người dân.

Trước tình hình nêu trên, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống ma túy năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 diễn ra vừa qua, đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra; đồng thời, triển khai thực hiện tốt tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, gắn chặt với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài. Trong năm 2024, không để phát sinh tệ nạn ma túy tại 11 xã, phường, thị trấn còn lại; đồng thời, phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có thêm ít nhất 1 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với các nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo phương châm hướng về cơ sở, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, các nhóm nguy cơ cao, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động; tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về phòng, chống ma túy tại cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng trong việc nắm chắc, phân tích, dự báo đúng tình hình về ma túy, quản lý tốt địa bàn, đối tượng. Tiếp tục cập nhật, lập hồ sơ người nghiện; tích hợp thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, mở rộng triệt để các vụ án để truy bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển ma túy...

Nguyễn Luân