Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024): Tranh thủ mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng điều trị

Xã hội - Ngày đăng : 05:48, 27/02/2024

Thời gian qua, ngành y tế tỉnh Bình Thuận vượt khó, không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2024), phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận để biết rõ hướng phát triển ngành y tế tỉnh.
bs-vu.jpg
Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận.

Thưa ông, năm 2024, ngành y tế tỉnh có đột phá nào để nâng cao chất lượng điều trị?

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ: Hiện nay, Sở Y tế tỉnh đang hoàn thiện, trình phê duyệt đề án phát triển ngành y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, sau khi có ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đề án được phê duyệt, ngành y tế tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình tổ chức thực hiện; thực hiện khẩn trương và đầy đủ các thủ tục để được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân lực y tế theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh vừa được ban hành.

Năm 2024, ngành đẩy mạnh việc đào tạo chuyên sâu, nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh. Trước mắt phát triển chuyên khoa tim mạch can thiệp, chấn thương chỉnh hình, nhi khoa… và các chuyên khoa khác trong thời gian đến. Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về chủ trương đầu tư dự án mua sắm trang thiết bị y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh, đề án phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận đạt tiêu chuẩn hạng I, giai đoạn 2023 - 2028 cũng sẽ được ban hành. Theo đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận sẽ được đầu tư đồng bộ, phát triển toàn diện về các mặt như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, cung ứng các dịch vụ kỹ thuật cao. Và cũng là nơi chỉ đạo tuyến cho hệ thống khám, chữa bệnh trong tỉnh. Thêm vào đó, ngành cũng đang tập trung xây dựng phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân tốt hơn, mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân, thân nhân khi đến bệnh viện.

pt-noi-soi-da-day.jpg
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận tiệp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi ung thư dạ dày

Ông có thể chia sẻ những khó khăn hiện nay của ngành y tế tỉnh. Để vượt qua khó khăn ấy, cần tập trung giải quyết như thế nào?

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ: Ngành y tế tỉnh hiện nay đang đối mặt một số khó khăn. Cụ thể, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa được đầu tư xây mới; trang thiết bị cũ, một số hư hỏng, thiếu trang bị mới, chưa có nhiều trang thiết bị hiện đại; nhân lực y tế còn thiếu, đặc biệt là thiếu bác sĩ ở tuyến huyện; tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh thực hiện được theo phân tuyến chuyên môn còn thấp và tỷ lệ chuyên môn sâu chưa cao nên chưa triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao. Tình hình đó dẫn đến một số cơ sở y tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn về tự chủ tài chính cũng ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của đơn vị.

Sau khi đề án phát triển ngành y tế tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt, ngành phải tranh thủ mọi nguồn lực tập trung sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, là tranh thủ các chính sách về thu hút, đào tạo, đãi ngộ nhân lực y tế, thì sẽ nâng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế. Một nội dung cũng được chú trọng để nâng cao chất lượng điều trị là đẩy mạnh liên kết, nhận chuyển giao, làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương (thành phố Hồ Chí Minh).

can-thiep-mach.jpg
Can thiệp tim mạch tại Bệnh viện đa khoa An Phước

Thưa ông, ông cho biết về việc chuyển đổi số ở các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh hiện nay như thế nào?

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ: Để xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp trang thiết bị phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số, các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng hạ tầng mạng máy tính, thiết bị công nghệ thông tin. Theo đó, tập trung ưu tiên các ứng dụng giúp rút ngắn thời gian chờ đợi thực hiện các dịch vụ y tế và thanh toán chi phí nhất là dịch vụ khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế; phát triển các ứng dụng tăng cường giao tiếp giữa người dân với cơ sở y tế, giữa bệnh nhân và bác sĩ. Chú trọng xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin chuyên ngành y tế phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về y tế, đảm bảo công cụ và đủ dữ liệu hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, giám sát, ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu; chia sẻ dữ liệu chuyên ngành cho các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan. Phát triển kênh giao tiếp giữa cơ sở y tế với người dân, doanh nghiệp. Phát triển dữ liệu công dân số gắn với triển khai sử dụng các nền tảng số y tế cho công dân số.

Tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cấp, hoàn thiện các nền tảng số y tế đã triển khai. Trong đó, cần phát triển, nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh VNPT-HIS; triển khai có hiệu quả các ứng dụng nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân. Phát triển một số ứng dụng để tổ chức các hoạt động y tế từ xa trong điều kiện chờ nguồn vốn đầu tư một cách có hệ thống; tạo lập chữ ký số cá nhân cho toàn bộ công chức, viên chức ngành y tế; hỗ trợ tạo lập tài khoản định danh cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế để nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên “Trang dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia”. Chủ động thực hiện các bước chuẩn bị để triển khai hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sử dụng cho các bệnh viện, trung tâm y tế.

Các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh cùng cơ sở y tế công lập đã đóng góp vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, ông cho biết những điểm nổi bật của y tế tư nhân?

Tiến sĩ bác sĩ Đặng Thức Anh Vũ: Thời gian qua, y tế tư nhân cũng phát triển khá nhanh. Bình Thuận có 3 bệnh viện tư nhân tại thành phố Phan Thiết, sắp đến có thêm 1 bệnh viện chuyên khoa mắt; 9 phòng khám đa khoa và hơn 400 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế tại các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh hệ thống y tế công lập trong tỉnh, các cơ sở y tế tư nhân đóng góp một vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chính sách hiện tại tạo điều kiện phát triển công bằng cho cả y tế công lập và ngoài công lập, mang lại nhiều lựa chọn và quyền lợi tối đa cho người dân. Điểm mạnh của y tế tư nhân là đầu tư phát triển nhanh các chuyên khoa, thu hút nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, mặt hạn chế - chưa là nơi lựa chọn chăm sóc sức khỏe của đa số các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân có thu nhập thấp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trang Minh (thực hiện)