Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào…

Đời sống - Ngày đăng : 05:30, 28/02/2024

Mặc dù vắc xin phòng bệnh dại cho người và động vật đều có, mang lại hiệu quả phòng bệnh, nhưng số ca tử vong nghi do bệnh này vẫn xảy ra hàng năm.

Tử vong do không tiêm vắc xin

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm 2024 đến nay (chưa đầy 2 tháng), cả nước xảy ra 17 ca tử vong nghi dại hoặc do dại ở 13 tỉnh, thành phố, tăng 8 ca so với cùng kỳ 2023 (9 ca). Tại Bình Thuận, vào tháng 2/2024, 1 bé gái 4 tuổi ở thôn Phò Trì, xã Tân Thắng (Hàm Tân) bị chó nhà hàng xóm cắn, nhưng không xử lý vết thương bằng xà phòng, không đi tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, mà lại điều trị phương pháp của dân tộc. Sau 7 ngày bị chó cắn, bé phát bệnh nhập viện chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi. Năm 2023, Bình Thuận có 4 ca tử vong nghi do bệnh dại, xảy ra ở Tuy Phong 1 ca, Bắc Bình 1 ca, La Gi 1 ca và Hàm Tân 1 ca. Đáng chú ý, năm 2023, xã Tân Thắng (Hàm Tân) ghi nhận 1 ca tử vong nghi do bệnh dại. Và tháng 2/2024, cũng xã này tiếp tục xảy ra ca tử vong nghi do bệnh dại như đã đề cập.

phong-benh-dai-1.jpg
Cách phòng tránh bệnh dại. (Ảnh minh họa)

Mặc dù vắc xin phòng bệnh dại cho người và động vật đều có, mang lại hiệu quả phòng bệnh, nhưng không ít số ca tử vong nghi do bệnh này vẫn xảy ra hàng năm ở Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng. Điều này ít nhiều chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật chưa cao; người dân chủ quan, sự nhận thức về phòng chống bệnh dại trên người, động vật nuôi còn hạn chế. Các ca tử vong hầu hết do không tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Vi rút dại di chuyển nhanh

Được biết, bệnh dại lây từ nước bọt của động vật bị dại thông qua vết cắn, liếm... Động vật nhiễm bệnh dại sẽ lây nhiễm bệnh dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn, có thể bị lây nhiễm qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc. Bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin phòng dại. Thời gian ủ bệnh thường thay đổi từ 3 tuần đến 8 tuần, có thể dao động 6 đến 12 tháng, đôi khi vài năm.

Theo các chuyên gia trên trang National Center for Biotechnology Information (Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học quốc gia của Mỹ), vi rút dại xâm nhập vào cơ thể, sẽ di chuyển với tốc độ 12-14 mm/ngày để đến nơi diễn ra quá trình nhân lên của vi rút. Giai đoạn 1 này, bệnh nhân có triệu chứng không đặc hiệu như sốt, khó chịu, lo lắng… xuất hiện. Giai đoạn 2, vi rút tiếp tục nhân lên nhanh chóng, di chuyển với tốc độ nhanh hơn, khoảng 200-400 mm/ngày để đến các cấu trúc hệ thần kinh trung ương, tuyến nước bọt. Khoảng thời gian ủ bệnh dài hay ngắn, phụ thuộc số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, tốc độ nhân lên của vi rút dại. Nếu vết cắn ở các phần cơ, thì tốc độ di chuyển của vi rút là 12 - 100 mm/ngày.

Để giảm trường hợp tử vong vì bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị người nuôi chó, mèo tiêm vắc xin phòng dại cho động vật nuôi theo định kỳ mà ngành thú y quy định. Người nuôi chó, mèo thì không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Người bị chó, mèo cắn, cào, liếm... thì rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Trẻ em và người lớn không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Bên cạnh đó, cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát, có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp không tiêm vắc xin phòng dại trên động vật nuôi; thả rông chó mà không đeo rọ mõm để hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người.

TRANG MINH