Chống khai thác IUU: Lần thứ 5 sẽ là thời điểm quyết định để gỡ “thẻ vàng”
Kinh tế - Ngày đăng : 05:15, 29/02/2024
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt thanh tra lần 5
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã ghi nhận sự cố gắng của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế mà Đoàn Thanh tra lần thứ 4 của Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ ra. Đồng thời, đánh giá cao và biểu dương tỉnh Kiên Giang là tỉnh đầu tiên đã tiến hành xét xử vụ án môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, xét về tổng thể đến nay tại một số địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, như: tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp; việc kiểm soát, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa hiệu quả; chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không”. Ngoài ra, cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong điều tra, xác minh, xử phạt các hành vi khai thác IUU như: khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối hoặc gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái phép, vi phạm về nhật ký khai thác, tàu cá hoạt động khai thác sai vùng… dẫn đến kết quả còn rất hạn chế, chưa đồng bộ giữa các địa phương, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Dự kiến vào tháng 4/2024, EC sẽ sang kiểm tra lần 5, là thời điểm quyết định để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Vì vậy, yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có liên quan và Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, thời gian qua, tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đã đẩy mạnh việc xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU. Đơn cử, tỉnh Nghệ An xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thường, thuyền trưởng tàu cá NA-95079-TS; ông Ngô Văn Chính, thuyền trưởng tàu cá NA-95177-TS, mỗi cá nhân 20 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ tàu cá 3 tháng do đã vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Tỉnh Nghệ An cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Nhật, thuyền trưởng tàu cá NA-99995-TS số tiền 24 triệu đồng do không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, không chấp hành việc kiểm tra kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền đối với phương tiện pháp luật quy định.
Mạnh tay xử phạt vi phạm IUU
Riêng Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Thống, chủ tàu cá ở khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi với mức phạt 900 triệu đồng vì đã có hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia, vùng lãnh thổ khác mà không có giấy phép hoặc không có giấy chấp nhận. Bà Thống là chủ tàu cá BTh 97352 bị lực lượng chức năng Malaysia phát hiện và bắt giữ đang khai thác hải sản tại khu vực thuộc vùng biển của Malaysia ngày 7/1/2023. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ra quyết định xử phạt ông Trần Thanh Mười, ngụ khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi số tiền 900 triệu đồng với hành vi vi phạm tương tự. Ông Mười là chủ tàu cá BTh 95204 TS đã thực hiện đánh bắt xâm phạm vùng biển Malaysia ngày 7/1/2023 và bị lực lượng chức năng nước này bắt giữ.
Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao tỉnh Kiên Giang đã làm được nhiều việc có tác động lan tỏa tích cực, trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước đưa ra truy tố xét xử vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang tuyên phạt 4 bị cáo sống tại tỉnh Kiên Giang về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, từ 1 đến 8 năm tù giam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh thời gian còn lại rất ít, khoảng hơn 2 tháng nữa là đến thời điểm EC cử đoàn thanh tra sang Việt Nam, nên phải dồn tổng lực, mở “đợt cao điểm của cao điểm” với mục tiêu cao nhất là gỡ được thẻ vàng sau lần thanh tra thứ 5 sắp tới.
Bên cạnh những nhiệm vụ trước mắt nêu trên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm như hợp tác với các nước về nghề cá, mở ra hướng đi mới cho ngư dân; thu hút đầu tư nước ngoài vào nuôi trồng, chế biến hải sản. Bộ NN&PTNT cần xây dựng phương án/kế hoạch khai thác thủy sản bền vững, trong đó tính đến khả năng cấm biển để bảo vệ, tái tạo ngư trường và hỗ trợ ngư dân khi thực hiện cấm biển. Phó Thủ tướng lưu ý công tác tuyên truyền sắp tới phải căn cơ, bài bản, từ nhiều góc độ, không chỉ là động viên mà phải chú trọng tuyên truyền về hậu quả pháp lý đối với từng hành vi vi phạm IUU.