Tuổi thơ êm đềm

Đời sống - Ngày đăng : 05:49, 01/03/2024

Nếu sinh ra và lớn lên ở miền quê thì chẳng có ai xa lạ gì với tiếng gà gáy. Mỗi buổi sáng, tiếng gà gáy vang lên, đánh thức mọi người dân ở quê thức dậy để bắt đầu một ngày làm việc mới tràn đầy năng lượng. Sống ở thành phố nhiều năm nên đôi lúc tôi nhớ tiếng gà gáy ở quê nhà vô cùng, nhớ về những ký ức thân thương và êm đềm lúc còn tuổi ấu thơ.

Ở quê, con gà là con vật không thể thiếu và đã gắn liền với cuộc sống của người nông dân. Đa số ở thôn quê, nhà ai cũng đều nuôi gà. Nhiều thì một đàn lớn, ít thì vài chục con. Bên cạnh những con như bò, dê, cừu, vịt… thì con gà được nhiều người nông dân nuôi bởi đơn giản nó dễ nuôi, chẳng phải chăn hay trông coi gì hết, chỉ cần thả ra mấy khu đất trống sau vườn hay giăng lưới ở chỗ mát nào đó rồi tới bữa cho ăn là được.

ga-gay.jpg
Ảnh minh họa.

Có đứa trẻ nào sống ở thôn quê mà không gắn liền với tiếng gà gáy. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi nghe tiếng gà gáy vang lên, anh em tôi tranh thủ thức dậy xếp mùng, đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng, thay đồ xong leo lên chiếc xe đạp chạy thẳng tới trường để học. Tiếng gà gáy giống như chiếc đồng hồ báo thức cho mọi người và đã quen thuộc với những người dân ở thôn quê. Tôi đã quen với nhịp sống nơi đây nên chỉ cần nghe tiếng gà gáy vào mỗi buổi sáng thôi là tự giác bản thân mình thức dậy, chẳng cần phải để ba mẹ kêu hay nhắc nhở, dần trở thành thói quen đến khi tôi lớn và trưởng thành.

Ở quê, nhà tôi đa số nuôi gà ác, đây là giống gà rất quý và có bài thuốc chữa bệnh cảm nên mẹ tôi thường chăm sóc rất kỹ. Nhớ những hôm gà mái bắt đầu đi kiếm ổ, tôi thường ra sau nhà kiếm mớ rơm rồi lót ổ cho nó đẻ. Nhiều lúc tôi còn rảnh rỗi rồi rình mò xem con gà mái nó đẻ như thế nào. Phía xa xa, con gà trống đang chờ con mái đẻ rồi vươn cái cổ cao phát ra tiếng gáy lớn vang khắp nơi. Nhớ những chú gà ác con mới nở được vài ngày, kêu chíp chíp và bắt đầu tập đi, lông trắng tinh và đáng yêu vô cùng. Mỗi lần nhìn chúng là tôi chỉ muốn bắt vào nựng rồi ôm ấp chơi đùa như em bé vậy.

Mỗi chú gà trống có một giọng gáy khác nhau. Con thì trong thanh, gãy gọn. Con thì khàn khàn. Còn con thì chỉ mới biết tập gáy nên giọng cụt lủn, nghe rất mắc cười. Mỗi lần nghe thôi là tôi biết ngay con gà trống đó có hình dáng như thế nào hay là gà của nhà hàng xóm nào liền. Tiếng gà gáy cả ngày khiến cho nhịp sống ở quê nhà càng trở nên ý nghĩa và thanh bình hơn. Tạo nên cảm giác êm đềm và để lại ấn tượng trong lòng mỗi người. Trong tiếng gáy như mang một điều gì đó rất lý thú và khiến cho những đứa trẻ ở thôn quê như tôi phải say đắm và nhớ thương. Nhiều lúc tôi tự nghĩ nếu như không có tiếng gà gáy thì sẽ như thế nào? Nếu thế thì chắc sẽ buồn chán và trở nên lạ lẫm với cuộc sống ở thôn quê lắm, chẳng còn cảm giác êm đềm và thân thương nữa.

Không biết từ bao giờ, tiếng gà gáy đã được các nhà thơ, nhà văn quan tâm rồi lấy làm cảm hứng để sáng tác. Nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa, mang mỗi âm điệu khác nhau, khiến cho độc giả phải say đắm rồi hòa mình vào từng câu, từng chữ để cảm nhận. Đoạn 1 và 3 trong bài thơ “Sớm mai gà gáy” của tác giả Huy Cận có viết: “Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi/ Nghe sao ấm áp tựa như đời/ Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp/ Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi/…/ Gà gáy nhà ta, gáy láng giềng/ Ta nghe thuộc mỗi tiếng gà quen…/ Cha ơi, con chửa nghe gà chú!/ Nó cũng như mày hay ngủ quên./…”.

Nhịp sống vội vã có biết bao âm thanh dần khiến cho con người chẳng còn bận tâm đến tiếng gà gáy nữa. Bất chợt một ngày nào đó, tôi bỗng nhiên có cảm giác nhớ quê, nhớ hình ảnh về chú gà trống cất lên tiếng gáy đâu đây trong niềm ký ức thân thương. Qua những tiếng gà gáy là qua những khoảng thời gian để tôi lớn và trưởng thành. Tiếng gà gáy đã gắn liền mật thiết với người nông dân và mang ý nghĩa về hình ảnh quê nhà dấu yêu, để lại trong tôi ký ức đẹp về những tháng ngày tuổi thơ êm đềm.

NGUYỄN ÚT