Chuyển đổi số - nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:18, 05/03/2024

Thời gian qua, TP. Phan Thiết xác định chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh là bước chuyển tất yếu, mang tính bắt buộc, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Chính vì vậy, Phan Thiết đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, hiệu quả nhất là xây dựng đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công.

Một trong ba đột phá chiến lược

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết, xác định chuyển đổi số là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. TP. Phan Thiết đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và bước đầu chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số. Cùng với đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố bám sát sự hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh triển khai, sử dụng có hiệu quả các phần mềm do tỉnh đầu tư và triển khai. Trong đó phần mềm Quản lý Văn bản và Điều hành đã cung cấp đầy đủ tài khoản cho toàn bộ công chức, viên chức thành phố tham gia hệ thống, tỷ lệ trao đổi văn bản trên môi trường mạng đạt trên 90% (trừ văn bản mật). Hiện nay, các phần mềm do tỉnh triển khai đều được triển khai hiệu quả, thiết thực. Đây cũng là hệ thống xác thực tập trung trong kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, Hệ thống họp trực tuyến đã được triển khai thông suốt đến 18/18 UBND các phường, xã, đảm bảo các cuộc họp của Chính phủ, của tỉnh với thành phố và các phường, xã.

z5199730797562_7c7722b3d0e5a5041b489a71600fb3f8.jpg
Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP. Phan Thiết.

Song song, nhằm thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử và đô thị thông minh, các cơ quan, đơn vị thành phố và phường, xã đã chủ động, tích cực triển khai trang bị trang thiết bị, hệ thống kết nối mạng cáp quang, đáp ứng đầy đủ và hiệu quả cho công việc.

Mặt khác, để phấn đấu xây dựng Phan Thiết trở thành một đô thị thông minh, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố xác định xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố một cách nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả. Hiện nay Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố đang được triển khai hoạt động hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt Hệ thống Phản ánh hiện trường đã có gần 12.000 người đăng ký và sử dụng; tính đến ngày cuối năm 2023 trên hệ thống có tổng cộng hơn 1.000 phản ánh, kiến nghị đối với nhiều lĩnh vực của xã hội, quan tâm nhiều nhất là lĩnh vực đô thị.

Chuyển đổi số là “động lực”

Theo Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết, thời gian tới, thành phố xác định: Chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố; “chính quyền” là tiên phong; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố đảm bảo sự thành công trong chuyển đổi số.

Đồng thời, thành phố sẽ phối hợp xây dựng Khung Kiến trúc Chính quyền điện tử và triển khai và quản lý hiệu quả, đảm bảo tuân thủ Khung Kiến trúc do tỉnh Bình Thuận ban hành. Thành phố thông minh triển khai theo mô hình vừa tập trung, vừa phân tán, trong đó các cơ quan đầu tư và vận hành thiết bị đầu cuối thu thập dữ liệu và sử dụng kết quả phân tích dữ liệu để điều hành, ra quyết định. Cùng với đó, sẵn sàng sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu mở, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chia sẻ, dùng chung; đặc biệt là triển khai cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành hình thành nên “cơ quan số” theo Quyết định 2241 của UBND tỉnh Bình Thuận về ban hành danh mục dữ liệu mở tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai các ứng dụng, dịch vụ sát với thực tiễn và lợi ích của người dân, doanh nghiệp; củng cố, tổ chức đội ngũ hỗ trợ người dùng nhanh chóng, kịp thời, đồng thời cập nhật, hiệu chỉnh nhanh chóng kịp thời theo nhu cầu. Huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài địa phương trong triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ. Mặt khác, xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, tăng cường số công chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cấp cơ sở, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các địa phương. Hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đào tạo, các doanh nghiệp ươm tạo đầu tư để từng bước nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh nói chung và TP. Phan Thiết nói riêng về lĩnh vực chuyển đổi số.

THU HÀ