Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Gấp rút hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật

Kinh tế - Ngày đăng : 09:04, 27/11/2019

BT- Một số công việc cần dồn sức trong giai đoạn “nước rút” bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra, tháo gỡ các khó khăn về di dời hạ tầng kỹ thuật.

 Bàn giao mặt bằng vào tháng 12

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết  đi qua địa bàn 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân có tổng diện tích thu hồi 363,42 ha với 644 hồ sơ. Tính đến ngày 21/11, 8 xã có dự án đi qua đã hoàn thành xong xét tính pháp lý; xét pháp lý cấp huyện đạt 99,8%. Tổng kinh phí bố trí giải phóng mặt bằng dự án đến tháng 9, dự kiến trên 883,4 tỷ đồng, vốn đã bố trí cho tỉnh 2 đợt là 540 tỷ đồng; 2 huyện đã giải ngân được 330,6 tỷ đồng. Tổng diện tích đất các huyện đã nhận bàn giao 184,9 ha trong tổng số 363,42 ha diện tích giải phóng mặt bằng, đạt tỷ lệ 51%. Dự án đi qua, 2 huyện có 49 hộ dân phải di dời, bố trí tái định cư. Trong đó, 21 hộ dân của huyện Hàm Tân được bố trí tái định cư tại khu dân cư Nghĩa Hòa 3, thị trấn Tân Minh. Còn lại 28 hộ dân huyện Hàm Thuận Nam xây dựng khu tái định cư Tân Lập với diện tích 0,96 ha hiện đang triển khai thi công các hạng mục công trình đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước, cấp nước dự kiến hoàn thành trong tháng 11 đảm bảo nhu cầu về nơi ở mới của người dân. Ngoài ra, dự án còn ảnh hưởng hơn 10 ha đất rừng trong đó có 0,345 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Theo ông Nguyễn Hữu Trung - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho biết: “Dự kiến đến cuối tháng 11, 2 huyện sẽ hoàn thành 100% các công việc: xét pháp lý cấp huyện, áp giá, niêm yết, phê duyệt phương án bồi thường và tái định cư; giải ngân chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho tất cả các hộ dân và bắt đầu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư bắt đầu từ ngày 1/12”.

 Sớm có phương án tháo gỡ

Đối với việc di dời các hạ tầng kỹ thuật: điện, cấp nước, viễn thông; di dời trụ sở UBND xã Sông Phan vẫn còn một số vướng mắc. Huyện Hàm Thuận Nam đang chờ ý kiến của Ban Quản lý dự án Thăng Long thống nhất với Công ty truyền tải điện 3 về phương án xử lý giao chéo giữa đường cao tốc với lưới điện cao thế 220kV, để thực hiện khảo sát, thiết kế theo quy định. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông có buổi làm việc với UBND tỉnh về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tại đây UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thống nhất về kinh phí bồi thường đường dây điện cao thế 500 kV, 220 kV giao chéo với đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân để làm cơ sở cho địa phương tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho chủ trương về phương án giao nhận mặt bằng và kinh phí quản lý mặt bằng (trong thời gian chưa có nhà đầu tư tiếp nhận) và kinh phí hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với diện tích đất còn lại sau khi thu hồi) để đáp ứng yêu cầu của các hộ dân. Đồng thời, có ý kiến chính thức về bồi thường, hỗ trợ di dời trụ sở HĐND, UBND xã Sông Phan theo đề nghị của UBND tỉnh… Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và trình lên cấp trên xem xét giải quyết sớm cho địa phương.

         
      Thứ    trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông lưu ý tỉnh đảm bảo bàn    giao mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cho nhà đầu tư sớm    nhất. Thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng nhất là công khai    phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, tổ chức chi trả tiền đền bù    phải đảm bảo quyền lợi người dân trong vùng dự án theo quy định của    pháp luật.

T.Duyên