Phú Quý: Lối thoát nào cho “tàu 67”?

Kinh tế - Ngày đăng : 11:20, 25/11/2019

BT- Là một trong những địa phương có số lượng “tàu 67” nhiều nhất tỉnh. Đội tàu công suất lớn ở Phú Quý lần lượt hạ thủy, vươn khơi đem lại nhiều hy vọng cho ngư dân cũng như góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, đội tàu này liên tục thua lỗ, nằm bờ dẫn đến nhiều phát sinh không ai lường trước…
                
Tàu đánh bắt xa bờ đang gặp rất nhiều khó    khăn.

 Hoạt động kém hiệu quả

Tính đến ngày 31/8/2019, tổng số hồ sơ toàn huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt là 116 hồ sơ (đóng mới 103 chiếc; nâng cấp 13 chiếc). Số tàu thuyền đã vay vốn đóng mới, nâng cấp và đi vào hoạt động là 88 chiếc (trong đó tàu vỏ thép 16 chiếc; composite 8 chiếc; gỗ 64 chiếc). Đây cũng là huyện có số lượng tàu làm dịch vụ thủy sản nhiều nhất tỉnh với 35 chiếc, nhưng hoạt động rất cầm chừng. Nguyên nhân nhóm tàu làm nghề dịch vụ hậu cần thủy sản hoạt động kém hiệu quả, là do chỉ hoạt động thu mua hải sản trên biển để đưa về đất liền tiêu thụ nhưng lại chưa đa dạng được sản phẩm thu mua. Mặt khác, số lượng tàu dịch vụ thủy sản trong những năm qua phát triển quá nhiều trong khi sản lượng khai thác của đội tàu đánh bắt trên biển liên tục bị sụt giảm. Vào vụ cá bấc, hầu hết tàu cá khai thác xa bờ ngừng hoạt động, đội tàu dịch vụ cũng phải nằm bờ, càng tạo áp lực thêm cho các chủ tàu trong việc trả nợ vay ngân hàng. Một khó khăn khác mà những chủ tàu vỏ thép lao đao, luôn báo lỗ từ khi đi vào hoạt động. Anh Đỗ Thanh Hưng – một chủ tàu vỏ thép ở Phú Quý chia sẻ: “Tôi đóng tàu 67 với mục đích kinh doanh xăng dầu trên biển. Nhưng khi hạ thủy đi vào hoạt động, Nhà nước lại cấm loại hình kinh doanh này, nên tàu của chúng tôi gần như phá sản khi vốn đầu tư ban đầu quá lớn”.

Theo UBND huyện Phú Quý, thời gian qua một số tàu hoạt động có hiệu quả, trả lãi và vốn vay đúng quy định, nhưng số này chỉ có 35/88 chiếc. Còn số tàu hoạt động kém hiệu quả, chỉ hòa vốn và lỗ là 53 chiếc, chiếm 60,2%  (trong đó, 3 chiếc bị cháy, chìm; 1 tàu nằm bờ; 3 tàu ngưng hoạt động). Đặc biệt có 1 chiếc do ông Võ Phú Thanh làm chủ đã giải ngân nhưng chưa đưa vào hoạt động với dư nợ hơn 4,8 tỷ đồng. Nguyên nhân, do ông Thanh thiếu nợ bên ngoài chưa trả, bị chủ nợ xuống tàu tháo gỡ thiết bị. Do đó, ông Thanh không còn khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án. Ngân hàng đã ngừng giải ngân và tiến hành xử lý nợ. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Phú Quý đã khởi kiện khách hàng qua tòa án ngày 27/3/2019. Hiện tòa án đã thụ lý hồ sơ để tiến hành xét xử.

 Nguyên nhân

Nghị định 67 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại hóa và bền vững. Đội tàu lớn, hiện đại sẽ giúp ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay một số tàu đã đến kỳ hạn trả lãi và trả gốc cho ngân hàng nhưng việc thanh toán rất chậm. Một số tàu nằm bờ, làm ăn thua lỗ nên đề nghị ngân hàng cho gia hạn trả chậm. Ngoài ra, đa số các trường hợp đăng ký đóng mới trên địa bàn huyện là hình thức tự góp vốn của các cổ đông và cử một người đại diện đứng ra làm chủ, nên công tác quản lý tài chính chưa rõ ràng, xảy ra một số trường hợp khiếu nại, khiếu kiện. Bên cạnh đó, các ngư dân đều có trình độ hạn chế nên rất khó tiếp cận với các loại hồ sơ, thủ tục trong việc thiết kế cũng như vay vốn.

Lãnh đạo huyện Phú Quý cho biết: Những năm gần đây nguồn lợi hải sản đang bị suy giảm mạnh và khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định... Nhiều ngư dân lại chưa có kinh nghiệm trong vận hành tàu lớn với trang thiết bị hiện đại dẫn đến hư hỏng, thất thoát ngư lưới cụ khi tham gia khai thác hải sản. Một số chủ tàu sau khi được vay vốn đã có tư tưởng ỷ lại, nghĩ đây là tài sản của Nhà nước nên làm không được, giao tàu lại cho ngân hàng là hết trách nhiệm. Trước những bất cập trên, một số chủ tàu sản xuất, kinh doanh thua lỗ muốn chuyển sang nghề khác hoặc muốn chuyển đổi chủ tàu cho người khác nhưng việc này vẫn chưa thực hiện được.

Để đội “tàu 67” tiếp tục vươn khơi, cần có những điều chỉnh chính sách phù hợp hơn, sớm khắc phục những bất cập, khó khăn giúp ngư dân an tâm bám biển, trả nợ ngân hàng và làm giàu chính đáng từ biển…

    
    Tổng số   tàu được vay vốn đến thời điểm hiện nay là 86 chiếc/hơn 816 tỷ đồng (2   tàu cháy, chìm đã được bảo hiểm bồi thường 100%). Tổng số nợ đã thu hơn   69 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 746 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ xử lý rủi ro 837   triệu đồng, nợ xấu 4,8 tỷ đồng.

M.Vân