Thanh trà, trái xay… trong nỗi nhớ!

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:14, 08/03/2024

Một ngày đầu tháng ba này, không hẹn, nhiều chị tuổi ngoài năm mươi ở thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) đổ xô tới một điểm trên đường tỉnh 719 để mua một thứ trái nhỏ vỏ màu đen nhung hình dạng như viên dầu cá, giá 30.000 đồng/kg, với sự hân hoan hiếm thấy.

Có chị reo lên: “Trái xay của tuổi thơ tui đây mà”. Trái xay mà rim với đường cát, ngon cực kỳ, hoặc ngâm thành dưỡng tửu. Ai tuổi dưới bốn mươi ít biết trái này vì mùa trái rừng ở các khu rừng nam Bình Thuận gần như không còn!”.

screenshot_1709849821.png
Trái xay rừng.

Câu chuyện về trái xay, cứ thế nổ ra trong các chị, những người vừa mua một ký, hai ký, hoặc đang săm soi chuẩn bị mua, trong khi người bán xay cũng là một phụ nữ năm mươi tuổi hơn, nói rằng xay chị đang bán được hái từ rừng Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) mang về. Số lượng không nhiều vì tháng ba chưa hẳn là mùa xay chín rộ. Mùa xay chín rộ phải một, hai tháng nữa kia. Một chị trong nhóm người mua góp chuyện. Chị kể, trước năm 1975, sống ở khu vực La Gi. Bao quanh La Gi, Hàm Tân, Tân Hải, Tân Thuận… hồi trước là rừng già. Đi đâu cũng thấy màu xanh của rừng. Sau tết nguyên đán 3 tháng là bắt đầu mùa trái rừng. Đầu tiên là xay; khi có mưa xuống là trái gùi, trái nổ, trái viết; đến tháng năm là trái thanh trà, trái bứa, trái thị… Người bán trái cây rừng ngày ấy ưa bày hàng trên tấm ni lon bên vệ đường Phạm Ngũ Lão (trong chợ La Gi), hoặc ngã tư cách cầu Tân Lý một đoạn chừng một trăm mét. Những người bán xay hồi đó kể rằng: Bất cứ khu rừng nào của tỉnh Bình Tuy (cũ, nay thuộc Bình Thuận) cũng có xay, nhưng nhiều nhất là rừng Bình An chạy dài lên núi Đất, tới khu vực Tân Hải. Mùa xay chín, một người đi hái xay, bán xay, đủ sống ít ra một tuần. Trái xay khi sống có màu xanh, khi chín vỏ dần chuyển sang màu đen nhung. Vỏ trái xay mỏng, giòn, chỉ cần dùng tay ấn nhẹ là sẽ làm vỡ vỏ để lộ ra lớp thịt. Thịt xay màu vàng đậm, xốp và mềm với vị ngọt thanh, được ưa chuộng bởi nhiều người vì có tính nhuận tràng, dễ tiêu hóa.

Câu chuyện của chị phụ nữ gợi lại bao nỗi nhớ về mùa trái rừng đặc biệt với trái viết, trái nổ và trái thanh trà. Chúng tôi lớn lên ở La Gi ngày trước đều nhớ: Trước năm 1976, trong chợ La Gi và mấy chợ vùng phụ cận như: Chợ Động Đền (nay thuộc phường Tân Thiện), Tân Hải, Láng Gòn (Hàm Tân)... vào mùa tháng năm, tháng sáu, có khá nhiều người bán trái nổ, thanh trà. Thanh trà khi chín, màu đỏ vàng, da căng bóng, thịt chua ngọt, chứa một số vitamin cần thiết cho cơ thể. Trái viết thì nhọn ở hai đầu, thân giữa hơi phình ra trông như ngòi viết. Trái viết lớn nhất bằng ngón tay út người lớn, da màu xanh, cũng chứa rất nhiều vitamin C. Mà đâu chỉ lứa chúng tôi, trái thanh trà, trái viết còn là một trời kỷ niệm với bộ đội cực Nam Trung bộ trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Nguyễn Hữu Trí, Bí thư Huyện ủy Tánh Linh (2000 - 2005), kể: “Bộ đội khi bị sốt rét, trái thanh trà vô cùng quý. Trái thanh trà vì vậy đi vào văn học: “Thương nhau sốt rét thèm chua. Bạn leo cây thanh trà cao ba mươi thước”- thơ Thanh Thảo. Còn trái viết nhiều nhất là ở khu rừng Bà Tá (nay là Gia Huynh). Bộ đội hành quân, đi lấy lương thực, hay hái trái viết, trái thanh trà, trái quéo (một dạng xoài rừng), ăn giảm khát, duy trì sức lực”.

Ngày nay trái thanh trà được dân miền Tây ươm giống, trồng, bán trái đại trà, nhất là từ tháng ba trở đi. Nhưng với nhiều người từng ăn thanh trà rừng, thì thanh trà miền Tây không ngon và thơm bằng.

Có thể trái rừng một thời gần gũi với bao người; có những người một năm dành ra mấy tháng để hái trái rừng kiếm thu nhập. Những mùa trái rừng nói với chúng ta rằng: Thiên nhiên Việt Nam rất phong phú và đa dạng cây trái tự nhiên; cũng như có một thời quanh chúng ta là rừng bao bọc với ý nghĩa là lá phổi thiên nhiên, giúp cân bằng môi sinh, giảm thiểu các tác hại của lũ lụt, duy trì nước ngầm trong đất. Ngày nay, diện tích rừng bị thu hẹp trong đó có bàn tay của con người. Từ đó rút ra bài học về bảo vệ tài nguyên rừng, lá phổi xanh vốn đang có nguy cơ mất dần vì nhiều lý do.

Hà Thanh Tú