Hiểu đúng về vi bằng

Pháp luật - Ngày đăng : 05:08, 12/03/2024

Từ khi các văn phòng thừa phát lại (TPL) trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, việc lập vi bằng đã được thực hiện trong các giao dịch dân sự nhằm ghi nhận sự kiện, hành vi có thật, góp phần là căn cứ bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các giao dịch giữa các bên. Nhưng đây là lĩnh vực mới, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về giá trị của vi bằng.
untitled-1.jpg

Ông Huỳnh Văn G ở phường Bình Hưng mua hơn 50 m2 đất với số tiền khoảng 150 triệu đồng trong diện tích đất nông nghiệp hơn 1.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Văn H ở xã Tiến Lợi. Khi bán đất cho ông G, thì ông H thảo hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất và kèm theo bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi giao nhận tiền, ông G đề nghị ông H ra văn phòng TPL lập vi bằng.

Trường hợp khác, ông L.V.D đến văn phòng TPL đề nghị lập vi bằng liên quan đến ghi nhận hiện trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình xây dựng. Nghĩa là, trước khi nhà hàng xóm khởi công xây dựng nhà cao tầng, ông D yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà ở của ông kèm theo những hình ảnh, video căn nhà. Làm như vậy để đề phòng trường hợp căn nhà của ông D bị sụt lún, rạn nứt trong quá trình nhà hàng xóm xây dựng. Có vi bằng ghi nhận hiện trạng, ông D yên tâm hơn vì khi có tình huống xảy ra còn có cơ sở pháp lý để xử lý.

20240220_150140.jpg
Giá trị của vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

Theo Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 văn phòng TPL đang hoạt động ở TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Đức Linh... Trong năm 2023, các văn phòng TPL đã lập 1.957 vi bằng. Số lượng vi bằng được lập không ổn định, luôn tăng, giảm trong các năm trước. Nhưng đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, ổn định quan hệ xã hội, an ninh trật tự, xác lập và củng cố thêm chứng cứ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch và tham gia tố tụng...

Mặc dù có lợi ích thiết thực, nhưng hiện nay vi bằng vẫn là một khái niệm còn xa lạ với đại đa số người dân. Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu và biết cách sử dụng loại văn bản này.

anh-ghep.jpg
Mọi thứ nhà cửa, đất đai, nhắn tin, quay clip nói nhau trên mạng xã hội... đều có thể lập vi bằng để làm bằng chứng (ảnh minh họa)

Theo quy định, Văn phòng TPL là pháp nhân được phép thực hiện có 4 chức năng, trong đó có chức năng lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nghị định số 08/2020 của Chính phủ, Thông tư số 05/2020 của Bộ Tư pháp đã quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác mà là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc lập vi bằng sẽ giúp các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện.

Bà Võ Thị Bích Trâm - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Bình Thuận cho biết, “Nghị định 08 đã nêu rõ, nhưng người dân chưa hiểu hết về vi bằng. Hiện còn lẫn lộn giữa vi bằng và công chứng. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt… (điều 2 Luật Công chứng). Trong khi, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Để người dân hiểu tính hữu ích của vi bằng cần mỗi văn phòng TPL và bản thân các TPL được bổ nhiệm phải nỗ lực nâng cao kiến thức để khi tiến hành lập vi bằng có chất lượng cao. Từ đó góp phần tuyên truyền về hoạt động TPL nói chung, lập vi bằng nói riêng trong đời sống xã hội, để nhiều người biết và sử dụng dịch vụ hữu ích này. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các văn phòng TPL hoạt động, để hoạt động TPL thực sự đi vào đời sống, phát huy được thế mạnh và sự hữu ích đối với người dân.

Nghị định số 08/2020 của Chính phủ, Thông tư số 05/2020 của Bộ Tư pháp đã quy định: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do TPL trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Ninh Chinh