Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 09:26, 21/11/2019

BT- Nghị định số 57/2018/ NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, phát triển nhanh, bền vững. Tại Bình Thuận, việc ban hành nghị quyết về chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai có hiệu quả nghị định này.
                
Doanh nghiệp đầu tư trồng dưa lưới tại Bắc    Bình.

 Hỗ trợ tín dụng

Thời gian qua, cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đã có khá nhiều chính sách ưu đãi, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, thực tế cho thấy hiệu quả thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn ít. Đến nay, có một số tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Đắk Nông, Bắc Kạn, Nghệ An. Mục đích để triển khai thực hiện Nghị định 57, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa các sản phẩm trong thời gian tới… Tại Bình Thuận, dự thảo nghị quyết gồm 5 điều, quy định về chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, dự thảo đề cập về chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 57. Đơn cử, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành: mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án (thực hiện theo điểm c, khoản 1 Điều 8 Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ). Tối đa 8 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư, tối đa 6 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và tối đa 5 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư…

Ông Nguyễn Văn Phong - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019. Chương trình hội nghị xúc tiến đầu tư có bao gồm nội dung kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, sở đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất danh mục các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Danh sách gồm 13 dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.817 tỷ đồng, tổng số vốn hỗ trợ dự kiến 127 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ gồm ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. 

Khuyến khích doanh nghiệp - rất cần thiết

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 57 rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh dự thảo, chậm nhất đến cuối tháng 12/2019 báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoàn thiện dự thảo cần tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…                    

Tuy vậy, hiện nay ngân sách tỉnh còn khó khăn, dự báo khả năng của ngân sách tỉnh thời gian tới chưa có nhiều thuận lợi, do vậy không có điều kiện hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp ngoài các quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

K.Hằng