Người Chăm thôn Lâm Giang đón tết Ramưwan đầm ấm
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:43, 13/03/2024
Thôn Lâm Giang, hiện có 2 cơ sở thờ tự của đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni, với 456 hộ, gần 2.000 khẩu. Lễ Ramưwan bao giờ cũng bắt đầu bằng hoạt động tảo mộ diễn ra khắp làng, luân phiên tuần tự theo lịch chung đã thống nhất. Lễ tảo mộ về phương diện văn hóa dân gian được xem là lễ chính của Lễ hội Ramưwan với quy mô lớn, thời gian dài và không gian rộng, mang tính lễ nghi phong phú, đặc sắc, nhân văn.
Theo triết lý sâu xa của lễ tảo mộ là nhằm gợi mở, giáo dục, truyền dạy cho tín đồ nhớ về tổ tiên, dòng họ, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì thế, khi lễ tảo mộ diễn ra, mặc dù ở xa, điều kiện đi lại khó khăn nhưng hầu như dòng tộc, dòng họ nào cũng huy động con cháu trở về tụ họp đông đủ, mang lễ đến viếng và tảo mộ ông bà, tổ tiên. Tại đây, các thế hệ con cháu người Chăm thể hiện sự tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với ông bà, tổ tiên, dòng tộc và sự biết ơn về nguồn gốc, cội rễ. Họ về đây như tìm về cội nguồn, cùng nhắc nhở nhau hướng về tổ tiên, ông bà, dòng họ. Nhờ vậy sự gắn kết nhau theo từng dòng họ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù trải qua bao đời nay, con cháu vẫn luôn biết và nhớ về họ hàng, dòng tộc của mình.
Sau lễ tảo mộ, nhà nhà náo nức chuẩn bị đón tết Ramưwan với các món ăn truyền thống, nhất là các loại bánh mang đậm nét văn hóa của người Chăm như bánh tét, bánh ít, bánh củ gừng… dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của các mẹ, các chị được bày biện chu đáo trên các mâm lễ.
Ông Thông Minh Đồng – Trưởng thôn Lâm Giang cho biết: Năm nay bà con đón tết đầm ấm hơn vì nhiều gia đình đã thu hoạch lúa. Lúa được mùa, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, với giá bán hiện tại 8.200 đồng/kg nên mọi nhà đều phấn khởi. Ngoài làm nông, thanh niên và nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm tại các khu công nghiệp ở Phan Thiết, Hàm Thuận Nam nên thu nhập ổn định, mức sống và nhận thức của bà con đã nâng lên. Đặc biệt, được sự quan tâm từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2023, thiết chế văn hóa, thể thao trong thôn được sửa chữa. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tuyến đường chính đều được bê tông hóa sạch đẹp, riêng một số tuyến nhánh vào cụm dân cư, người dân đồng tình hiến đất, đóng góp 35% để mở rộng đường và đổ bê tông. Hai tuyến đường dài hơn 500 m, kinh phí gần 570 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp gần 200 triệu đồng vừa hoàn thành trước Tết Ramưwan.
Qua 3 ngày đón tết Ramưwan tại gia đình, các vị chức sắc Hồi giáo Bàni đã vào tháng chay niệm tại các chùa. Theo Trưởng thôn Lâm Giang: Sau tháng chay, Ban điều hành thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các sư cả, người có uy tín, dòng tộc tuyên truyền, vận động đồng bào Chăm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua do địa phương triển khai, phát động. Nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng đường giao thông thôn xóm; trồng cây xanh, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, bảo đảm cảnh quan môi trường; giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư. Tiếp tục xây dựng mối đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm.