Phát huy tiềm năng ngành nghề nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 05:17, 18/03/2024
Góp phần phát triển kinh tế nông thôn
Ngoài ra, kế hoạch của UBND tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng thu nhập bình quân lao động trong các hoạt động ngành nghề nông thôn lên gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Còn đến năm 2045, ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của tỉnh… Do vậy khi được triển khai tại Bình Thuận sẽ phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân.
Theo định hướng, các nhóm ngành nghề nông thôn được tập trung phát triển trong giai đoạn tới bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Bên cạnh đó còn phát triển một số nhóm ngành nghề khác như: Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; Sản xuất muối; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Ngoài ra cũng tập trung bảo tồn, khôi phục các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền gắn với du lịch, định hướng tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn Bình Thuận đem lại hiệu quả như mong đợi, kế hoạch cũng đề ra giải pháp về thông tin tuyên truyền, chính sách, tổ chức lại sản xuất và hình thành các trung tâm sáng tạo. Hay như giải pháp về bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường…
Xúc tiến triển khai ở các địa phương
Liên quan nội dung này, hiện một số địa phương đã xúc tiến xây dựng Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn theo định hướng của tỉnh. Như huyện Hàm Thuận Bắc đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức đạt trên 75% (trong đó tỷ lệ được cấp bằng, chứng chỉ đạt 35%), còn tỷ lệ lao động nông thôn sau đào tạo nghề có việc làm đạt từ 80% trở lên. Phấn đấu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định đáp ứng 70% nhu cầu phát triển ngành nghề nông thôn cũng như mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu… Tiếp đến là tập trung phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng bền vững, thông minh, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng không gian nông thôn xanh - sạch - đẹp, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương. Đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ duy trì làng nghề “Bánh tráng Phú Long” hiện có, hình thành làng nghề sản xuất “Mai vàng Hàm Hiệp”, làng nghề sản xuất rau tại các xã - thị trấn (Phú Long, Hàm Đức, Hồng Sơn) và nghề đan lát, dệt thổ cẩm tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đối với địa bàn miền núi Tánh Linh cũng đặt ra các mục tiêu tương tự, hướng đến đưa ngành nghề nông thôn tiếp tục là hoạt động mang lại thu nhập, tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, góp phần vào tăng trưởng chung của huyện. Về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, đan lát thì định hướng tạo mẫu mã sản phẩm mới từ những nguyên liệu đặc trưng của địa phương như tre, song mây, lá buông, gỗ, gốc gỗ... Còn với nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất - kinh doanh sinh vật cảnh, hướng tới hình thành tạo ra các sản phẩm hoa, cây cảnh độc đáo, phù hợp thị hiếu người dân…