Thách thức xóa lối đi tự mở qua đường sắt
Pháp luật - Ngày đăng : 05:43, 19/03/2024
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, mục tiêu này rất khó đạt được, khi nguồn kinh phí ở các địa phương chưa được khai thông, gỡ khó, cũng như còn tồn tại nhiều vấn đề. Bình Thuận cũng không ngoại lệ…
Khó hoàn thành đúng lộ trình
Tuyến đường sắt Thống Nhất qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài 177,614 km đi qua địa phận 6 huyện. Cục Đường sắt Việt Nam đã từng lo ngại nguy cơ mất an toàn khi đến nay trên địa bàn tỉnh có 176 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó có 64 đường ngang hợp pháp (7 đường ngang có người gác chắn, 45 đường đang có phòng vệ bằng biển báo tự động, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo). Đặc biệt còn tồn tại đến 112 LĐTM nguy hiểm qua đường sắt. Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, tồn tại tình trạng người dân địa phương tự ý mở lối đi qua đường sắt, đổ đất lấp rãnh thoát nước, gây úng ngập nền đường sắt khi mưa lớn; các phương tiện vận tải nông sản qua lại nhiều, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt…làm biến đổi thông số kỹ thuật đường sắt sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tú Tuấn, Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2018 toàn tỉnh có 148 LĐTM, đến nay giảm còn 122; tức là sau hơn 5 năm chỉ giảm được 26 LĐTM. Cùng với đó là tồn tại nhiều vấn đề như: Chưa tổ chức được người gác cảnh giới tại các địa điểm có LĐTM tiềm ẩn nguy cơ tai nạn do Cục Đường sắt yêu cầu; chưa xử lý dứt điểm các vị trí vi phạm bảo vệ công trình đường sắt; mất cắp phụ kiện liên kết đường sắt… “Do đó việc xóa bỏ hoàn toàn LĐTM theo đúng lộ trình là rất khó”, ông Tuấn thừa nhận.
Từ những nguyên do và con số được đưa ra có thể chứng minh câu chuyện, vì sao một con đường chỉ dành riêng cho xe lửa lại có tỷ lệ mất an toàn giao thông lớn đến như vậy. Đồng thời, Bình Thuận khó hoàn thành đúng lộ trình nếu chiếu theo Quyết định số 358 tập trung giải quyết 3 nội dung: Giải tỏa hành lang vi phạm; xây dựng hàng rào đường gom và xóa bỏ các LĐTM. Nhìn từ thực tế, để giải quyết 3 vấn đề này là điều không đơn giản, trong khi thời gian thực hiện đề án chỉ còn hơn 1 năm.
Thách thức không hề nhỏ
Kinh phí vẫn là vấn đề gây khó khăn cho đa số các địa phương. Và mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đề nghị ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện xóa bỏ LĐTM theo kế hoạch, lộ trình được phê duyệt. Tại Bình Thuận, tháng 6/2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1955 để thực hiện Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay kết quả thực hiện Quyết định 358 vẫn còn rất hạn chế.
Ông Nguyễn Tú Tuấn - Phó Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết nguyên nhân là do kinh phí thực hiện đề án rất lớn nhưng kinh phí từ ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp chưa thể cân đối, bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Nguồn ngân sách của Trung ương giao cho địa phương cũng chỉ để đầu tư xây dựng công trình phụ trợ như: cầu vượt, hầm chui, đường ngang, hàng rào, đường gom… Và Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên, sớm bố trí triển khai để đáp ứng nhu cầu đi lại, cũng như an toàn của người dân.
Ông Tuấn cho biết thêm, tỉnh đã vài lần đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các đường gom, hàng rào để xóa bỏ LĐTM với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn tỉnh kiến nghị báo cáo với Chính phủ và làm việc với Bộ Tài chính. Chưa kể, giả sử địa phương có kinh phí thì còn trải qua nhiều khâu như khảo sát, lập dự án đầu tư từng đoạn đường gom… theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Số liệu từ Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, toàn mạng lưới đường sắt hiện nay có hơn 5.000 vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó hơn 1.500 đường ngang (chiếm tỷ lệ 30%) và hơn 3.500 LĐTM (chiếm tỷ lệ 70%). Con số này thực sự là thách thức không hề nhỏ trước thực tế thiếu kinh phí để xóa bỏ hoàn toàn LĐTM mà các địa phương có đường sắt đi qua đang vấp phải.
Quyết định 358 cũng nêu rõ, kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt và cắm mốc giới hành lang an toàn giao thông đường sắt khu vực đô thị; kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn tại nạn giao thông đường sắt… là từ ngân sách nhà nước. Trong khi kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở là của từng địa phương.
Tại cuộc làm việc với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận vừa qua Cục Đường sắt Việt Nam nhìn nhận ngành đường sắt thời gian qua chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm an toàn đường sắt; vi phạm phạm vi công trình thông tin tín hiệu đường sắt tại 5 huyện.