Phòng, chống tham nhũng vặt: Cần phong cách giao dịch hành chính văn minh, trong sáng
Pháp luật - Ngày đăng : 05:34, 21/03/2024
Tại một quán cà phê không đông khách ở góc phố nhỏ của thành phố, chúng tôi, những người khách quen của quán, chọn cho mình chỗ ngồi để giải tỏa cơn nắng nóng tháng 3. Bên cạnh là bàn có khoảng 4 vị khách, phần lớn là trung niên. Họ đang trò chuyện với nhau về vấn đề thời sự “nóng bỏng”, trong đó có các vụ án tham nhũng lớn như vụ Vạn Thịnh Phát, với bà Trương Thị Mỹ Lan. Một người trong nhóm nói, “những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Với tinh thần thẳng thắn, quyết liệt, không khoan nhượng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nên đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc, nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Tuy nhiên, cũng có người trong số họ cho rằng, Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng chống tham nhũng như vậy, cũng chưa triệt để, tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn. “Năm qua, con gái của tôi chuyển trường cho con từ một trường tư về trường công cho bớt chi phí, nhưng phải “lót tiền” mới chuyển được trường”, thêm một người khác trong nhóm nói.
Câu chuyện giữa họ cứ như dài ra, ở bên này, chị bạn của tôi, người làm nghề tự do cũng bị cuốn theo câu chuyện bên họ. Chị kể, "mình từng kẹp 500.000 đồng vào bộ hồ sơ chuyển đổi mục đích đất sử dụng tại bộ phận một cửa của một phường, để nhận được sự vui vẻ và làm nhanh hồ sơ”. Là cán bộ công chức, hiểu rõ về cơ chế làm việc trong bộ máy nhà nước hiện nay, tôi không nói gì nhiều ngoài việc giải thích. Chị vẫn gay gắt nói nhiều về việc “tham nhũng vặt” trong cơ quan nhà nước, rồi tiếp tục liệt kê nhiều kiểu lót tay, "bôi trơn" khác.
Biết dù có nói thêm thì cũng không thể giải tỏa "cơn ác cảm" của chị với một bộ phận cán bộ, công chức, tôi tìm cách nói lảng qua chuyện khác khi bàn bên cạnh, ai nấy đã ra về. Cả hai chúng tôi không tranh luận thêm nữa, song tôi ngẫm lại những gì chị ấy nói thấy có phần đúng. Khi hiện nay việc ứng dụng các cơ chế như “một cửa”, “một cửa liên thông" đã khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn có thói quen “đi tắt” bằng những mối quan hệ “đặc biệt”. Từ đây, chính bản thân người dân lại đang tạo cho cán bộ những áp lực hoặc tác phong, lề lối xấu bằng những cơ chế “xin, cho” truyền thống.
Tham nhũng vặt diễn ra muôn hình vạn trạng, không từ một hành vi nào, từ "lót tay" lại quả, đi đêm, vào cửa sau… Trong đó có việc đưa phong bì để được giải quyết công việc cho nhanh gọn khi nhiều người còn quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, đồng nghĩa công nhận văn hóa phong bì, xem đó là điều tất nhiên phải có. Chính vì vậy mới có chuyện thời gian qua, cùng với sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết liệt kiểm tra phát hiện xử lý cán bộ vi phạm. Ủy ban Kiểm tra các tỉnh, thành, trong đó có Bình Thuận bắt đầu có chuyển động mạnh mẽ, đã mạnh tay với cán bộ sai phạm. Nhiều vụ tham nhũng từ tỉnh xuống cấp huyện, xã đã được đưa ra xử lý, xét xử. Phần lớn các vụ vi phạm ở cấp địa phương đều liên quan đến cố tình làm sai chính sách về đất đai, đưa và nhận hối lộ… Các vụ tham nhũng dù lớn, dù bé khi được đưa ra xử lý đều gắn với trách nhiệm người đứng đầu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đã có Công văn số 1566-CV/TU gửi các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình quản lý và đẩy mạnh công tác thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị với các quy định của pháp luật đã và đang được hoàn thiện để phòng chống nạn “tham nhũng vặt”. Tuy vậy cũng cần người dân luôn xem việc đấu tranh phòng, chống loại trừ tham nhũng “vặt” là trách nhiệm của chính mình, bằng việc xây dựng một phong cách giao dịch hành chính công tâm, văn minh, trong sáng.