Hội thi sáng tác tranh “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương”
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:58, 21/03/2024
Hội thi được triển khai rộng rãi đến các đối tượng học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở trên toàn tỉnh, gồm tranh cá nhân (1 học sinh vẽ) hoặc tập thể (nhiều học sinh vẽ). Nội dung tranh về các chủ đề như di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh; các lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán, nhà ở truyền thống… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Các em tự chọn vật liệu (giấy, vải, gỗ, đá, cát, hạt đậu, gạo, vỏ ốc…) và các dụng cụ màu (chì màu, sáp, bột nước, sơn dầu, cát màu…) để tạo nên tác phẩm. Kích thước tranh khổ A3 (297 x 420 mm). Mỗi học sinh có thể gửi nhiều tranh dự thi. Ngoài các tác phẩm thể hiện trên khổ A3, Ban tổ chức cũng đề nghị mỗi trường tham gia gửi 1 tác phẩm thể hiện trên khổ A1 do học sinh vẽ.
Các tác phẩm đều được sáng tác năm 2024 và chưa phổ biến dưới bất kì hình thức nào. Mặt sau tranh (góc trên, bên trái) ghi rõ: Tên tranh (tên tác phẩm), họ và tên tác giả, trường, lớp, địa chỉ nhà ở và điện thoại. Tranh dự thi gửi về Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư, khu phố 5, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Thời gian nhận tranh đến hết ngày 30/8/2024.
Ban tổ chức sẽ chia ra các nhóm tiểu học, trung học cơ sở dành cho tranh khổ A3, tranh khổ lớn A1 để chấm điểm. Dự kiến lễ tổng kết và trao giải vào ngày 20/9/2024.
Hội thi sáng tác tranh chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” là một trong những nội dung nằm trong chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 - 2025. Qua hội thi nhằm phát triển năng khiếu hội họa, kích thích tư duy sáng tạo, định hướng thẩm mỹ cho các em về di sản văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng truyền thống, danh lam thắng cảnh… của tỉnh. Từ đó, giúp các em hoàn thiện về nhân cách; nâng cao ý thức trách nhiệm về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.