Tăng cường các giải pháp, phòng chống tội phạm
Pháp luật - Ngày đăng : 05:37, 25/03/2024
Một số loại tội phạm gia tăng
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn ANTT, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, từ phòng ngừa nghiệp vụ đến đấu tranh, ngăn chặn, xử lý. Trong công tác phòng ngừa nghiệp vụ, năm 2023, lực lượng Công an tỉnh đã tiến hành hơn 6.000 lượt tuần tra vũ trang ban đêm tại những tuyến, địa bàn trọng yếu, các tụ điểm phức tạp về ANTT. Qua đó giải tán 470 nhóm, hơn 2.370 đối tượng thường xuyên tụ tập có dấu hiệu trộm cắp và gây mất ANTT; tiến hành gọi hỏi, răn đe giáo dục 6.400 lượt đối tượng hình sự; xử lý hành chính 487 vụ/1.436 đối tượng vi phạm về ANTT.
Đấu tranh với các loại tội phạm, đã điều tra, làm rõ 931/1.102 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 84,48%), bắt giữ 1.635 đối tượng gây án, thu hồi tài sản hơn 7,78 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị; triệt phá 317 vụ/1.529 đối tượng cờ bạc. Lực lượng chức năng còn tập trung đấu tranh, triệt phá 514 vụ/765 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy; phát hiện, xử lý 565 vụ/622 đối tượng vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (tăng 59 vụ/63 đối tượng so với năm 2022).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội: Kết quả trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân trong giữ gìn ANTT, qua đó góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi tình hình ANTT vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Đáng quan tâm, một số loại tội phạm còn chiếm tỷ lệ cao (tội trộm cắp tài sản chiếm trên 40%; tội phạm cưỡng đoạt tài sản tăng 366%, tội giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi tăng 133%, tội phạm cướp tài sản tăng 107%, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 96%, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng mạnh 44%).
Tập trung triển khai nhiều biện pháp
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện công tác phòng chống tội phạm năm 2024. Trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ và xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội nhất là những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm tội phạm, bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%…
Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của cơ quan đơn vị địa phương. Chủ động làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để phòng ngừa, không để tội phạm có cơ hội lợi dụng hoạt động.
Ban Chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội cũng yêu cầu các ngành, địa phương tập trung đổi mới cách thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận các nhóm đối tượng nguy cơ cao, địa bàn thường xuyên xảy ra tội phạm, vi phạm pháp luật. Tuyên truyền phòng, chống tội phạm tại khu công nghiệp, khu chế xuất cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động; vận động Nhân dân ở khu vực giáp ranh, vùng biển, ngư dân chấp hành pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ vững an ninh trật tự…
Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư. Chủ động phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân không để phát sinh vụ việc phức tạp hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự, góp phần làm giảm các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc và các mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm.