Đầu tư trang thiết bị để bảo đảm học đi đôi với thực hành
Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:29, 26/03/2024
Được biết, năm 2019, trước thực trạng cơ sở vật chất trường, lớp xuống cấp, ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh và chất lượng giáo dục, theo đề nghị của thị xã La Gi, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Trường THCS Phước Hội 1 (giai đoạn 1), từ nguồn vốn xổ số kiến thiết và một phần vốn ngân sách địa phương. Năm học 2020 – 2021, Trường THCS Phước Hội 1 được bàn giao và đưa vào sử dụng công trình này gồm 12 phòng học và 3 phòng chức năng. Tuy nhiên, khối phòng học cũ được xây dựng từ năm 1989 và khối hiệu bộ (nhà trệt) xây dựng từ năm 1984 đã xuống cấp không đảm bảo cho quá trình sử dụng. Mặt khác, cổng tường rào bị hư hỏng, sân nền thấp hơn mặt đường nhựa nên thường bị ngập úng vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất đồng bộ, đủ chuẩn tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, đảm bảo điều kiện phục vụ cho việc dạy và học của Trường THCS Phước Hội 1, năm 2022 Sở Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THCS Phước Hội 1 (giai đoạn 2). Dự án xây dựng Trường THCS Phước Hội 1 có mức đầu tư 17.993 triệu đồng từ nguồn vốn xổ số kiến thiết. Quy mô đầu tư dự án gồm: Xây dựng khu nhà 3 tầng (1 trệt, 2 lầu) với tổng diện tích sàn 1.507 m2 để bố trí khối hành chính - quản trị, các phòng thực hành bộ môn (lý, hóa, sinh); xây dựng các hạng mục phụ trợ khác như: San nền; cổng tường rào; nhà bảo vệ; nhà để xe; sân đường; hệ thống phòng cháy chữa cháy cho toàn bộ công trình. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, lý thuyết kết hợp thực hành của học sinh.
Như vậy, đến nay Trường THCS Phước Hội 1 đã có cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đủ chuẩn tối thiểu; các phòng học, phòng thí nghiệm thực hành bộ môn và các phòng chức năng phục vụ học tập khang trang, thoáng mát, tạo điều kiện cho thầy trò Trường THCS Phước Hội 1 nâng cao chất lượng dạy và học, học đi đôi với thực hành; đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục cấp THCS tại địa phương.