Hàm Cần phối hợp thực hiện các mô hình sản xuất

Kinh tế - Ngày đăng : 05:01, 28/03/2024

Cùng với thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm, xã miền núi Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam còn phối hợp phòng ban chuyên môn của huyện triển khai các mô hình sản xuất, phù hợp điều kiện canh tác, góp phần tăng thu nhập cho bà con dân tộc Rai ở địa phương.

Như ở thôn 1, xã Hàm Cần phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện triển khai lúa mô hình khu vực đồng Láng Mã trên diện tích 20 ha cho 51 hộ đồng bào Rai tham gia. Đông đảo bà con dân tộc trong mô hình này đã được hỗ trợ 2.400 kg giống lúa (chiếm 70% chi phí giống lúa sản xuất); 1.500 gói thuốc bảo vệ thực vật; 7.350 kg phân bón (chiếm 50% chi phí đầu tư chăm sóc). Đồng thời cán bộ Phòng Nông nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm bón phù hợp. Đồng lúa trong mô hình đã thu hoạch xong cuối năm vừa qua đạt năng suất 4,8 tấn/ha, cho sản lượng 96 tấn. Với giá lúa tươi cao, bà con đều có lãi. Năng suất trên cao hơn so những ruộng lúa khu vực đồng Láng Mã nằm ngoài mô hình, năng suất đạt 3,5 tấn/ha.

dsc00993.jpg
Trồng thanh long ở xã miền núi Hàm Cần.

Còn mô hình trồng giống bắp lai mới CP.519 diện tích thử nghiệm ban đầu 1 ha cho hộ gia đình đồng bào Rai thôn 1 đã cho thu hoạch 7 tấn bắp/ha. Quá trình sinh trưởng giống bắp mới chịu hạn tốt, kháng sâu bệnh, năng suất đạt cao. Mô hình trên được Trung tâm Dịch vụ miền núi và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ 100% giống cho người trồng. Cũng ở thôn 1 đồng bào dân tộc Rai, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp địa phương hỗ trợ 100% giống, thực hiện mô hình trồng 1 ha giống mì HDK 7; cây mì sinh trưởng, phát triển tốt, không có bệnh khảm lá. Các mô hình phát triển cây trồng trên, sau khi thu hoạch, chính quyền địa phương khuyến khích bà con đầu tư mở rộng diện tích sản xuất hàng năm của hộ gia đình, góp phần nâng cao năng suất cho cây trồng, tăng thu nhập.

Ngoài ra, bà con dân tộc trong xã được hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo thiêu chuẩn VietGAP, cung ứng nguồn điện đầy đủ đã phát triển hơn 482 ha thanh long ở các khu vực thuận lợi nguồn nước, hộ dân đào ao trữ nước tưới. Trong đó đã có 115 ha thanh long của 91 hộ dân được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là hướng đi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã.

Các mô hình trên đều được xã Hàm Cần phối hợp phòng ban, đơn vị chức năng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách về trợ giá, trợ cước theo Nghị quyết số 18 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong năm vừa qua, 277 hộ canh tác 613 ha bắp được đầu tư ứng trước 10.143 kg bắp giống. Bắp thu hoạch cho năng suất 3,5 tấn/ha, sản lượng bắp đạt hơn 2.145 tấn đã được thu mua toàn bộ cho bà con, với giá thu mua bắp lai thương phẩm trên địa bàn 3.700 đồng/kg. Ngoài ra nhiều hộ dân cũng đã mở mang chăn nuôi, tạo thu nhập cho gia đình. Hiện trên địa bàn xã có 3.668 con gia súc (trâu, bò, dê, heo), 8.000 con gia cầm (gà, vịt).

Ông Lê Ngọc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hàm Cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; thực hiện tốt chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; khai thác có hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước tưới. Qua đó sẽ giúp bà con từng bước nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững. Toàn xã phấn đấu năm nay giảm 60 hộ nghèo trong số 186 hộ nghèo ở địa phương”.

T. Khoa