Biển bạc của ta do dân ta làm chủ

Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:17, 29/03/2024

Cách đây đã 65 năm, ngày 31/3/1959 Bác Hồ đến thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). Nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Bác Hồ căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Để ghi nhớ lời dặn của Người, từ năm 1995 Chính phủ đã lấy ngày 1/4 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam.

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam năm nay, trong bối cảnh cả nước đang ra sức thực hiện quyết liệt các biện pháp để khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu về ngăn chặn khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đại diện đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã tuyên bố: “Còn một tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp thì cũng không rút thẻ vàng”. Để phát triển nghề cá bền vững, ngành thủy sản cũng đang phát động toàn dân tham gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; lên án và xử lý nghiêm minh các hành vi khai thác thủy sản mang tính chất hủy diệt nguồn lợi.

data-news-2021-4-136335-ngung.jpg
Ảnh tư liệu.

Mới đây, trong chương trình thời sự tối chủ nhật 24/3 trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu mô hình đồng quản lý nghề cá, với việc giao quyền quản lý nguồn lợi biển cho ngư dân ở huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận). Được giao quyền, ngư dân ta đã cùng nhau giám sát, ngăn chặn các tàu cá khai thác có tính hủy diệt, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chuyển biến tích cực ấy có được từ khi làng biển hình thành Hội Cộng đồng ngư dân. Năm 2018 Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận được thành lập, ban đầu có vài chục, nay đã có trên 200 hội viên. Hải sản khai thác được chuyển đến các điểm thu mua, tại đây các thành viên Hội Cộng đồng ngư dân dễ dàng phát hiện các trường hợp khai thác hải sản còn non để ngăn chặn.

Ở xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) còn có đội giám sát IUU, trên chiếc áo thun vàng mà các thành viên đội này mặc có in dòng chữ “Bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình”. Khi có những tàu giã cào càn quét nguồn lợi thủy sản xuất hiện ở vùng biển, hoặc những thuyền lén lút khai thác hải đặc sản còn non, thì ngư dân lập tức báo ngay cho đội giám sát IUU để cùng chính quyền ngăn chặn. Được biết, 3 Hội Cộng đồng ngư dân ở 3 xã Tân Thuận, Tân Thành, Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) đang thực hiện đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng biển được giao quyền có diện tích hơn 40 km vuông. Ở các xã Phước Thể, Chí Công, Hòa Thắng (huyện Tuy Phong) cũng đã thành lập Hội Cộng đồng ngư dân, để được công nhận và giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Suy nghĩ, nhận thức, hành động của ngư dân đã chuyển biến tích cực khi được giao quyền quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho ngư dân, mô hình này còn phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng làng biển.

Mô hình đồng quản lý tỏ ra hiệu quả, cần phải nhân rộng trong toàn tỉnh. Đây là biện pháp quan trọng để bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Một khi cộng đồng được chia sẻ lợi ích ở trong đó, thì mô hình sẽ bền vững hơn. Tại Hội thảo “Nhân rộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ” mà Bình Thuận vừa tổ chức trong tuần này, Bình Thuận đã kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện; hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội Cộng đồng ngư dân; tập trung xây dựng các mô hình sinh kế trong vùng biển đồng quản lý như nuôi biển các loại hải đặc sản, hay khai thác du lịch từ nguồn lợi thủy sản đã được tái tạo…                    

K.N

Khôi Nguyên