Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thúc đẩy các dự án, công trình trọng điểm

Chính trị - Ngày đăng : 05:23, 29/03/2024

Là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIV) đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý I/2024, triển khai nhiệm vụ quý II diễn ra sáng 28/3. Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch HĐND - UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Trong quý I/2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận ghi nhận được kết quả tăng trưởng tích cực ở một số lĩnh vực, cụ thể: Sản xuất công nghiệp tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; tiếp tục khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Ngoài ra, hoạt động du lịch diễn ra sôi động; thương mại, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2024 ước thực hiện 2.658 tỷ đồng, đạt 26,58% dự toán năm, tăng 0,6% so cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm… Bên cạnh đó, việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện có nề nếp; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo…

_lan5256.jpg
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự họp.
_lan5258.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, các đại biểu cũng phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, việc xác định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính còn chậm; dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt thời gian tới ở một số địa phương… Ngoài ra, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận sâu, phân tích nguyên nhân công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; tình hình ô nhiễm môi trường, rác thải vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tình trạng một số dự án chậm triển khai, điển hình ở Bắc Bình có khoảng 40 dự án chưa triển khai, cần rà soát lại những dự án này và có phương án sớm thu hồi hoặc tháo gỡ để người dân trong vùng dự án ổn định đời sống, phát triển kinh tế.

_lan5266.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư -  Lê Ngọc Tiến phát biểu tại cuộc họp.
_lan5262.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phạm Quốc Hùng đánh giá tình hình quý I/2024.
_lan5274.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Mai Kiều dự báo tình trạng hạn hán thời gian tới.

Việc xác định giá đất cụ thể đối với các dự án ngoài ngân sách nhà nước rất chậm, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu về đất và tác động xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. Do đó, các đại biểu kiến nghị cần xác định những nút thắt ở từng dự án, tập trung công tác giải phóng mặt bằng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những dự án trọng điểm của tỉnh…

_lan5313.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải có ý kiến tại cộc họp.
_lan5326.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng phân tích sâu nguyên nhân công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Kết luận cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh đánh giá cao những ý kiến đánh giá sâu sắc của các đại biểu, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để triển khai thời gian tới. Theo đó, Phó Bí thư Thường trực yêu cầu trong quý II/2024, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực thi công vụ. Nhận diện, xác định những vướng mắc, khó khăn trong từng lĩnh vực, ngành phụ trách, đề ra những giải pháp khả thi để thực hiện hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Quá trình đó, thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, PAPI, PAR, SIPAS, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt…

_lan5303.jpg
Đồng chí Đặng Hồng Sỹ - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc họp.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh phải có giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh (Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT719B, cầu Văn Thánh, hồ Ka Pét, công viên Hùng Vương, kè sông Cà Ty, nhà Tang lễ tỉnh...). Ngoài ra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất công. Lưu ý các biện pháp phòng chống hạn hán, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho nhân dân, cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư có năng lực để triển khai các dự án lớn. Tập trung lãnh đạo sớm hoàn thành xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định đối với những dự án đủ điều kiện để tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Song song đó, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm tình hình, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của dân…

_lan5247.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu kết luận cuộc họp.

Minh Vân, ảnh: N. Lân