Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024): Từ đội tàu hùng hậu hướng đến chế biến sâu
Kinh tế - Ngày đăng : 05:27, 29/03/2024
Hình thành đội tàu hùng hậu
Giai đoạn 1986 – 1992, cùng với chủ trương đổi mới kinh tế, ngành thủy sản của tỉnh được quan tâm đẩy mạnh. Sản lượng thủy sản khai thác ngày càng tăng với nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Điệp, sò lông, bàn mai, dòm... tạo ra nguồn nguyên liệu lớn cho chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho tỉnh. Điểm nổi bật trong giai đoạn này, Thuận Hải được xem là tỉnh đầu tiên thành lập Lực lượng Kiểm ngư, là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là cơ sở thực tiễn quan trọng để Bộ Thủy sản xây dựng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trình Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1989.
Đến tháng 4/1992, tỉnh Thuận Hải chia tách thành tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận. Giai đoạn 1992 - 2008, một số nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước được ban hành liên quan đến lĩnh vực thủy sản đã tác động rất lớn đến phát triển ngành thủy sản của tỉnh, đem lại nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Đặc biệt là giai đoạn 2010 – 2020, bà con ngư dân Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn khơi đánh bắt dài ngày để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, với đội tàu trên 8.000 chiếc, Bình Thuận nằm trong top các địa phương đứng đầu cả nước về năng lực đánh bắt, sản lượng khai thác. Hầu hết những tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, đều được đầu tư khá đồng bộ, ứng dụng vật liệu mới (trong đó có 18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite), trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm hiện đại, có khả năng hoạt động ổn định dài ngày trên biển. Đặc biệt, Bình Thuận là một trong những tỉnh phát triển mạnh và tiên phong trong cả nước về mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá với hàng trăm tàu cá công suất lớn tham gia, đặc biệt hơn đều tập trung ở huyện đảo Phú Quý.
Nếu toàn tỉnh có 145 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua trên biển, thì Phú Quý có đến 137 chiếc. Ngư dân Ngô Văn Khanh (xã Tam Thanh, Phú Quý) là một trong những người gắn bó với nghề biển lâu năm ở đảo và có hơn 20 năm làm dịch vụ hậu cần. Ông Khanh cho biết: “Bên cạnh thu mua hải sản, những tàu dịch vụ hậu cần sẽ cung ứng nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm cho những tàu cá đang đánh bắt trên biển, giúp họ tiết kiệm thời gian vào bờ bán sản phẩm. Không chỉ vậy, đội tàu hậu cần ở đảo thường xuyên lai dắt, hỗ trợ những tàu cá bị hỏng máy, tàu gặp nạn trên biển khi vô tình gặp phải. Vì thế, đội tàu đánh bắt xa bờ nơi đây không chỉ đánh bắt, khai thác, thu mua mà rất gắn kết, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển và tham gia hỗ trợ tích cực trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Nâng cao giá trị ngành thủy sản
Không chỉ tập trung phát triển năng lực đánh bắt, khai thác hải sản từ biển, Bình Thuận còn chú trọng khai thác lợi thế vùng ven biển, mặt biển, các ao, hồ để mở rộng diện tích nuôi thủy sản và đưa thêm nhiều đối tượng nuôi mới vào thực tế sản xuất. Toàn tỉnh hiện có hơn 2.600 ha diện tích nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi nước ngọt, nước lợ. Trong đó, nhiều cơ sở nuôi tôm chân trắng có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước cấp và nước thải riêng biệt, áp dụng quy trình vi sinh trong ao nuôi, máy cho ăn tự động... cho năng suất cao. Đặc biệt, sản xuất tôm giống vẫn giữ vững uy tín, thương hiệu có chất lượng cao trên thị trường. Trong đó, có nhiều cơ sở có quy mô sản xuất lớn, đặc biệt có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 3 doanh nghiệp có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong sản xuất tôm giống.
Một mối quan hệ “kéo theo” khác trong ngành thủy sản là khi sản lượng sản xuất đạt khá, thì công nghiệp chế biến cũng phát triển tương ứng, mang lại giá trị gia tăng khá lớn. Chế biến thủy sản ở Bình Thuận được xem là ngành chủ lực trong công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh khi xuất hiện nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn từ rất sớm (điển hình là Công ty TNHH Hải Nam), có sự đầu tư lớn về công nghệ, chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường và sản phẩm (cả hàng đông và hàng khô). Nghề chế biến nước mắm truyền thống với thương hiệu Nước mắm Phan Thiết được duy trì và phát triển.
Ngành thủy sản của tỉnh đang hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về sản xuất giống tôm và hải sản; khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá. Để thực hiện điều đó, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: “Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản vùng khơi, hiện đại hóa đội tàu xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khuyến khích chuyển đổi các nghề xâm hại nguồn lợi, đặc biệt cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Bên cạnh đó, sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, để nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trong đó, phát huy lợi thế tôm giống Bình Thuận và giữ vững thương hiệu. Trong tương lai, sẽ phát triển Phú Quý trở thành trung tâm dịch vụ, hậu cần nghề cá xa bờ”. Đặc biệt, ông Chiến kiến nghị: “Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm bố trí vốn đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền phục vụ công tác phòng, chống khai thác IUU, truy xuất nguồn gốc thủy sản góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC. …”.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với kinh nghiệm sản xuất được tích lũy từ bao đời nay cũng như định hướng phát triển đúng đắn, tin rằng ngành thủy sản Bình Thuận sẽ tự tin, vượt khó, tiếp tục vươn xa trong tương lai và phát triển ngày càng bền vững.
Sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 đạt trên 235.000 tấn, tăng hơn 32.000 tấn so với năm 2010. Giá trị gia tăng ngành thủy sản đạt 8.457,3 tỷ đồng, đóng góp 30% giá trị tăng thêm (VA) của khu vực nông lâm thủy sản và đóng góp trên 7,5% GRDP của toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu đạt 211.447 ngàn USD, tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong các ngành kinh tế biển và có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Bình Thuận.