Chú Mười Bầu và bài thơ Con kiến
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:57, 29/03/2024
Bình dị và quạnh hiu.
Quanh năm dân làng ngụp lặn trong biển để đánh bắt cá tôm. Cái của trời cho ấy tưởng như vô tận để nuôi sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nhưng đến năm 1947, vì chiến tranh Việt Pháp dân làng tôi bỏ biển lên rừng, và cũng kể từ đó là những chuỗi ngày dài cơ cực, nghèo đói đã bao trùm lên đầu, lên cổ dân làng tôi. Kiếm ăn bằng cách phá rừng, đốt rẫy, trồng tỉa, hái lượm để sinh tồn và phải thay đổi chỗ ở quanh năm để tránh những cuộc truy lùng của giặc Pháp.
Lũ chúng tôi, vài mươi đứa trẻ lớn tồng ngồng, nhưng tắm mưa vẫn ở truồng không biết mắc cỡ, còn rượt đuổi nhau chọc phá cho vui, còn thách đố nhau “thằng nào tắm mưa lâu, mà không rét run”. Còn mấy đứa con gái đứng nhìn cười lòi răng sún. Chúng tôi, hàng ngày lang thang trong rừng để bắt chim, hái trái, ra đồng lật bãi cứt trâu tìm dế để đá.
Thế rồi, có những ngày bộ đội qua làng, chúng tôi thấy lạ, hỏi thăm mới biết các chú đi đánh Tây. Hỏi đánh ở đâu, thì các chú nói, chỗ nào có Tây thì đánh! Rồi các chú tập đàn, tập hát và các chú hỏi, các cháu đã biết đọc, biết viết chưa? Chúng tôi trả lời rằng, đâu có ai dạy mà biết?
Cuối năm 1948. Một ngày đầu xuân, chúng tôi nghe tiếng loa vang vang… “Các cháu phải đi học…”. Trong cái cảm giác vừa lạ, vừa sợ, chúng tôi ngập ngừng đến trường. Nói trường, chớ thật ra nơi học là những dãy bàn ghế được bện bằng tre, cây tạp, không có mái lợp, chỉ nhờ tàn cây cổ thụ che nắng. Ngày nắng đi học, ngày mưa nghỉ.
Người thầy đầu tiên của chúng tôi là chú Mười Bầu, mặc dù chú làm thầy, nhưng cả làng không ai gọi chú là thầy, kể cả chúng tôi. Chú Mười Bầu, cái tên thân thương và quen thuộc, cho nên không ai gạn hỏi chú về trình độ học vấn, quê quán, xuất thân… chỉ biết rằng chú ở trong bưng Cò-Ke (Mật khu cách mạng thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) từ lúc chúng tôi chưa sinh ra. (Tôi đã từng lùa trâu vào bưng Cò-Ke, hái trái cò-ke làm đạn bắn ống thụt - một loại súng làm bằng ống tre - bắn trái cò-ke bằng cách thụt nghe nổ lốp -bốp, có khi chúng tôi dàn trận, bắn trúng “địch” cũng đau điếng!).
Chú Mười Bầu đi dạy chỉ mặc duy nhất bộ đồ bà ba đen đã nhuốm màu thời gian bạc phếch! Chú bảo có hai thứ giặc phải diệt cho bằng được là giặc dốt và giặc Pháp. Giặc Pháp thì đã có người lớn lo, các cháu còn nhỏ thì phải lo diệt giặc dốt. Sau này chúng tôi được biết chú là người thầy đã từng dạy các lớp đàn anh của chúng tôi “tốt nghiệp” xong, đi đánh Tây rồi!
Một hôm chờ cả lớp đông đủ, chú nói chú sắp đi xa. Hỏi chú đi đâu, chú cười không nói. Trước lúc đi mười hôm, chú nói rằng các cháu đã biết đọc, biết viết rồi, chú chép cho các cháu bài thơ “Con kiến”. Chú nhấn mạnh rằng các cháu phải học thuộc lòng, lớn lên các cháu sẽ thấy lòng yêu nước trong bài thơ “Con kiến” ấy.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi, bài thơ “Con kiến” tôi vẫn còn nhớ như in: “Bạn hẳn có nhiều khi hay để ý/ Đàn kiến con lí nhí chạy ven tường/ Đừng khinh nó loài kiến sầu bí tí/ Nó như người cũng có một quê hương/ Nó như người có Tổ quốc yêu thương/ Và biết chết với tinh thần chiến đấu/ Giang san kiến: Một gốc cây bên bờ dậu/ Gò đất cao kiên cố kiến xây thành/ Có lũy cao hào rộng đắp xung quanh/ Có cả lính đi tuần canh bốn mặt/ Quân tuần tiễu đi tuần canh nghiêm ngặt/ Ai đi qua cũng xét hỏi hẳn hòi/ Nước phú cường dân sự khắp nơi nơi/ Đi lại lại công việc làm tấp nập/ Và xe cộ và thợ thuyền chật đất/ Đời yên vui và thiên hạ thái bình/ Bỗng ngày kia có một đứa trẻ ranh/ Đã ngạo mạn bước vào trong bờ giậu/ Còi báo động cả châu thành hiền hậu/ Còi vang vang còi lệnh tổng động viên/ Nào phu phen nào lính tráng thợ thuyền/ Vì non nước đã sẵn sàng cảm tử/ Chân thằng bé như quả bom nguyên tử/ Rơi trên thành giẫm bẹp vạn nuôn dân/ Cả góc thành của nước kiến cỏn con/ Đã tan nát dưới bàn chân tàn bạo/ Nhục non nước cả quốc dân say máu/ Lăn xả vào thằng bé bạo tấn công/ Thằng bé đau nó nổi giận điên cuồng/ Quơ chiếc chổi đập tan tành tổ kiến/ Qua ngày sau mời bạn trở lại đây/ Cũng nơi này bên bờ giậu dưới gốc cây/ Loài kiến lửa đang hiền lành làm tổ/ Bạn bạo gan hãy để chân vào thử/ Dù bàn chân tàn bạo ngày hôm qua/ Dù bàn chân đã đạp đổ san hà/ Loài kiến lửa vẫn sẵn sàng chiến đấu/ Đừng tưởng nó hiền lành và bé nhỏ/ Đem lòng khinh và đem sức bạo tàn/ Có dễ gì chinh phục một giang san/ Một dân tộc đã nghìn đời chiến thắng” (Ngọc Cung - Nhà thơ Tiền chiến).
Chúng tôi đã thuộc lòng bài thơ “Con kiến”, rồi chia tay thầy rời khỏi mái trường “biết đọc biết viết” và thầy trò mỗi người mỗi ngả trong thời chiến tranh sinh ly tử biệt.
Sau 1975, hòa bình, tôi về quê tôi là xã Văn Mỹ, ấp Cây Găng (bây giờ là xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) tôi đi tìm hỏi thăm chú Mười Bầu, nhưng những người ở thời chú cũng đã qua đời, và một số thất lạc vì chiến tranh, còn lại một vài người nhớ mang máng rằng chú Mười Bầu đã thành người thiên cổ sau Đình chiến 1954.
Con thành kính đốt mấy nén nhang tưởng nhớ chú, người thầy đầu tiên của con, và xin biết ơn nhà thơ Ngọc Cung đã gieo trong lòng chúng tôi yêu nước qua bài thơ “Con kiến” từ những ngày kháng chiến bùng nổ.