“Khắc tinh” của những điểm đen tai nạn giao thông
Pháp luật - Ngày đăng : 05:10, 02/04/2024
Nỗi ám ảnh lùi vào quá khứ
Nút giao ngã 3 Sa Ra – Tầm Hưng tại Km1690+200 từng là nỗi ám ảnh của người dân xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc). Là người sống lâu năm ngay cạnh nút giao, bà Đinh Thị Cúc đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn, “Có những vụ chứng kiến mà không cầm được nước mắt vì người bị nạn là dân địa phương”, bà Cúc nhớ lại. Không chỉ người dân lo lắng, thời điểm đó chính quyền huyện Hàm Thuận Bắc thường xuyên kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu nhanh chóng lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông qua khu vực để xóa điểm đen này. Đến tháng 8/2023, trước sự mong mỏi của người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã chính thức đầu tư đưa vào sử dụng hệ thống đèn tính hiệu giao thông.
Một địa điểm khác cũng từng gieo nỗi bất an cho người dân, người điều khiển phương tiện là khu vực ngã 2 Hàm Mỹ tại Km 1711+400 (huyện Hàm Thuận Nam) cũng đã được lắp đặt đèn tín hiệu vào tháng 10/2023. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ chia sẻ, thời điểm đưa vào sử dụng, người dân quanh khu vực rất vui mừng vì từ đây sẽ không còn lo lắng vấn đề mất an toàn giao thông (ATGT) nữa; tình hình được cải thiện rõ rệt và các phương tiện đã di chuyển một cách nề nếp hơn. Đến thời điểm này đèn tín hiệu hoạt động rất hiệu quả, nay người dân cũng kiến nghị điều chỉnh lại thời gian. Vì hướng từ Mương Mán đi ra quốc lộ, hướng từ TP.HCM - Phan Thiết để rẽ vào Mương Mán với thời gian đèn đỏ 85 giây người dân cho là quá lâu.
Ông Nguyễn Tú Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận nhận định, tại một số nút giao trên QL1A có lưu lượng giao thông lớn, nhiều cơ quan, trường học, chợ, cơ sở sản xuất xung quanh thì đèn tín hiệu là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề ATGT. Đơn cử như 2 điểm đen ở ngã 2 Hàm Mỹ và ngã 3 SaRa – Tầm Hưng đến nay chưa ghi nhận vụ va chạm hay TNGT nghiêm trọng nào.
Cần nhanh chóng lắp thêm đèn tín hiệu
QL1A đoạn qua huyện Hàm Thuận Nam có 3 nút giao nguy cơ TNGT cao gồm: khu vực chợ Km23 nối đường Hàm Minh đi Thuận Quý (Km 1726+657); khu vực chợ 30 cũ nối thị trấn Thuận Nam đi hai xã Tân Thuận, Tân Thành (Km1734+220); và nút giao đi vào Khu du lịch cáp treo Tà Cú (Km1732+750). Bởi vậy, người dân địa phương đã nhiều lần phản ánh và kiến nghị với các đơn vị có thẩm quyền cho khảo sát lắp hệ thống đèn tín hiệu. Được biết, 3 vị trí này nằm trong phạm vi Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường QL1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai theo hình thức BOT. Do vậy, trách nhiệm quản lý, bảo trì và đảm bảo ATGT do Chi nhánh BOT 319 Sông Phan thực hiện theo hợp đồng.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đồng ý phương án lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại nút giao khu vực chợ 30 cũ (Km1734+220). Đồng thời Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Chi nhánh BOT 319 Sông Phan cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng khảo sát, đầu tư đưa vào sử dụng; tuy nhiên hiện nay hệ thống vẫn chưa được khởi công lắp đặt. Nguyên nhân là do Chi nhánh BOT 319 Sông Phan không có kinh phí, đơn vị này cũng kiến nghị lại với Cục Đường bộ Việt Nam giao cho tỉnh Bình Thuận tổ chức thực hiện.
Trước tình hình trên, Cục Đường bộ Việt Nam đã giao Khu Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý tuyến QL1A qua Bình Thuận) phối hợp với Chi nhánh BOT 319 Sông Phan và các đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức làm việc để tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Tú Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, qua làm việc các bên đã thống nhất tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT như: điều chỉnh bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, hệ thống chiếu sáng, sơn gờ giảm tốc… Đồng thời cũng thống nhất kinh phí xây dựng cải tạo, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu sẽ được bố trí từ nguồn vốn của tỉnh. Nếu không có gì thay đổi thì sẽ tiến hành triển khai trong năm 2024.
Bộ Giao thông Vận tải lý giải khu vực chợ Km23 nối đường Hàm Minh đi Thuận Quý và nút giao QL1A đi vào Khu du lịch cáp treo Tà Cú không lắp đèn tín hiệu giao thông là do áp dụng theo Tiêu chuẩn Việt Nam – TCVN 4054:205. Đây là loại hình không khuyến khích sử dụng trên đường ô tô, nhất là khi tốc độ tính toán trên 60km/h. Như vậy, việc lắp đặt đèn tín hiệu đối với đoạn QL1A ngoài đô thị nói riêng cũng như trên quốc lộ nói chung cần hạn chế để tăng năng lực thông hành của tuyến đường. Mặt khác, việc có lắp hay không phụ thuộc vào lưu lượng giao thông trên từng hướng, từng làn đường; việc tăng cường ATGT còn được tổ chức bằng hệ thống biển báo, vạch sơn, gia cố lề.
Văn phòng Quản lý đường bộ IV.1 (thuộc Khu Quản lý đường bộ IV) vừa qua cũng đã phối hợp với các bên tiến hành thực hiện các biện pháp gia tăng ATGT tại 2 vị trí này bằng cách sửa chửa đèn cảnh báo chớp vàng; khôi phục các vạch sơn bị mòn mờ; lắp bổ sung khu vực giới hạn tốc độ Zone60; bổ sung gờ giảm tốc…