Học bơi an toàn, phòng chống đuối nước

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 05:16, 02/04/2024

Việc học bơi được kết hợp với các kỹ năng an toàn và tự cứu là giải pháp để giúp các em tự bảo vệ mình, giảm thiểu mức thương vong khi xảy ra sự cố trên khu vực sông nước. Vì thế, ngay khi đưa vào sử dụng, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã mở các lớp dạy bơi, tạo điều kiện cho các em rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất, kỹ năng bơi lội.
img_9181.111.jpg
Thêm một nơi để thiếu nhi học môn bơi lội.

Đảm bảo điều kiện cho trẻ học bơi

Những buổi chiều trong tuần, bể bơi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo các em thiếu nhi. Được thỏa thích vẫy vùng dưới làn nước trong mát, khiến các em rất hứng thú. Còn các phụ huynh, ngắm nhìn con không còn sợ hãi và đã quen với nước đều khấp khởi trong lòng.

hoc-boi-ntn.11.jpg
Các em thích thú dưới làn nước trong xanh.

Chị Thu Minh (phường Phú Thủy) có con 9 tuổi tham gia lớp bơi, cho biết: Chưa đến hè mà tại một số tỉnh đã có thông tin trẻ bị đuối nước nên rất lo lắng. Nay có lớp dạy bơi tại Nhà Thiếu nhi là tôi đăng ký cho con đi học liền. Qua lớp học này, tôi hy vọng con và các bạn nhỏ sẽ nhanh biết bơi, có nhiều kiến thức, kỹ năng dưới nước. Bên cạnh đó, khi được học bơi trong môi trường mát mẻ, thoải mái sẽ góp phần giúp trẻ hoạt bát, năng động hơn, từ đó hạn chế tiếp xúc quá nhiều với smartphone, thiết bị điện tử…

Bể bơi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh vừa khánh thành giữa tháng 3. Đây là công trình có quy mô, gồm bể chính có diện tích 887,47 m2, kích thước 25m x 12,5m, độ sâu từ 1m đến 1,8m, có 5 làn bơi và mái che; bể vầy (bán nguyệt) 61,9 m2, độ sâu 0,6m. Ngoài ra, còn các hạng mục phụ khác như nhà tắm, phòng thay đồ, trang thiết bị cứu hộ… được đầu tư mới và vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo để bể bơi hoạt động hiệu quả. Tổng mức xây dựng gần 12,8 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương Đoàn và gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của tỉnh.

day-boi.11.jpg
Những bài học về kỹ năng bơi lội sẽ được các thầy hướng dẫn.

Để trẻ có những mùa hè an toàn

Thầy Nhật và thầy Quyền là 2 giáo viên có chuyên môn về bơi lội trực tiếp giảng dạy cho biết: Có nhiều bé khi mới đến học bơi còn khá nhút nhát và sợ khi gặp nước. Trường hợp như vậy các thầy luôn động viên, khuyến khích để học viên hòa đồng với các bạn, tạo tâm lý vừa học vừa chơi để tự tin hơn, sau đó mới áp dụng các bài tập để giúp nắm chắc kỹ thuật và thoải mái khi xuống nước. Theo đó, các thầy đã truyền đạt cho học viên từ những kỹ thuật đơn giản rồi nâng cao hơn, từ cách sử dụng tay đến cách giữ thăng bằng trên mặt nước.

Những buổi đầu em được thầy giáo hướng dẫn các động tác khởi động, cách hít thở sao cho đúng vì nếu không sẽ rất dễ bị sặc nước và không bơi được xa; sau đó đến các bài học bơi cơ bản. Bên cạnh đó, tham gia học bơi, các em được học kỹ năng vận động, di chuyển dưới nước nhằm xử lý các tình huống không may bị rơi xuống nước, bị chuột rút, khi gặp dòng nước xoáy, khi bị nước cuốn trôi, khi gặp người đuối nước.

Anh Nguyễn Ngọc Thiện – Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh thông tin: Các khóa bơi đầu tiên đã khai giảng trong tháng 3 với gần 100 em trên 7 tuổi theo học, mức học phí từ 500.000 - 600.000 đồng/khóa 8 đến 12 buổi. Sắp tới Nhà Thiếu nhi tỉnh tiếp tục chiêu sinh, đồng thời có chính sách giảm giá học phí đối với các học viên đang theo học các môn năng khiếu khác tại Nhà Thiếu nhi.

Thực tế cho thấy, bơi lội là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng cần được trang bị cho trẻ em, thế nhưng với nhiều trẻ, kỹ năng này vẫn còn bị bỏ ngỏ. Phần vì nhà trường không có hồ bơi, phần vì gia đình chưa thực sự quan tâm, chưa chủ động cho con học bơi. Đối với các trường ở nội thành, quỹ đất để xây dựng hồ bơi cũng là bài toán khó. Trong điều kiện các trường chưa thể có hồ bơi thì việc đưa bể bơi Nhà Thiếu nhi tỉnh vào hoạt động rất cần thiết nhằm đáp ứng việc học bơi, giải trí cho trẻ, nhất là thời điểm mùa hè đang đến gần. Từ đó tạo điều kiện cho các em được tham gia vào các hoạt động bổ ích cũng như góp phần thúc đẩy những việc làm thiết thực, ý nghĩa trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Thùy Linh