Chung tay đẩy lùi bệnh lao

Đời sống - Ngày đăng : 05:23, 04/04/2024

Bệnh lao có thể gây tổn thương ở nhiều bộ phận của cơ thể. Nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, người mắc bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Tăng bệnh nhân lao

Theo báo cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu; đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Bình Thuận tỷ lệ mắc lao cao đứng thứ 3 trong 9 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Tại Bình Thuận, năm 2023, bệnh nhân lao các thể được thu nhận là 1.913 bệnh nhân, tăng 94 bệnh nhân, tương ứng tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2022 (1.819 bệnh nhân). Bệnh nhân lao kháng thuốc được thu nhận là 40 người, giảm 6 bệnh nhân so với năm 2022 (46 người). Số người tử vong do bệnh lao 82 người. Trong đó, 77 người mắc lao thường, 5 người mắc lao kháng thuốc/tiền siêu kháng thuốc. Đó là thông tin của Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận.

kham-benh-lao.jpg
Bác sĩ khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

Bác sĩ Lê Hồng Vũ - Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận cho biết: Bệnh lao có thể gây tổn thương ở nhiều bộ phận của cơ thể, nhưng phổ biến nhất là lao phổi 80-85%, chiếm tỷ lệ cao nhất. Lao phổi là nguồn lây nhiễm chính cho những người xung quanh, lây qua đường hô hấp: ho, hắt hơi, sỗ mũi, khạc nhổ, nói chuyện vi khuẩn lao phát tán trong không khí. Số lượng vi khuẩn phát tán phụ thuộc vào tỷ lệ vi khuẩn cơ địa mắc lao: Nói chuyện phát tán 200 vi khuẩn, ho phát tán 3.500 vi khuẩn, hắt xì hơi phát tán từ 4.500 đến 1.000.000 vi khuẩn. Tuy nhiên, bệnh lao không lây qua di truyền và phòng ngừa bằng cách mang khẩu trang. Bên cạnh lao phổi, còn có lao tiềm ẩn, tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể, nhưng chưa đủ gây bệnh.

Theo kết quả hoạt động của Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận năm 2023, số người được sàng lọc cộng đồng là 2.588 ca và tiêm Mantoux là 2.536 ca, chiếm tỷ lệ 97,99%. Kết quả dương tính bị mắc lao tiềm ẩn 693 ca chiếm tỷ lệ 32,93% là khá cao trong khu vực.

Lao phổi, lao tiềm ẩn chữa trị được

Theo bác sĩ Vũ, bệnh lao tiến triển âm thầm và làm suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể, gây ảnh hưởng đến tính kinh tế của người mắc bệnh. Song, bệnh lao hiện đã được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, quản lý, giám sát tốt. Người mắc bệnh lao phải tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế trong quá trình điều trị lao. Điều trị lao tiềm ẩn an toàn, giúp ngăn ngừa bệnh lao; có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%.

Để phát hiện lao tiềm ẩn, làm test da Mantoux hoặc xét nghiệm máu cho người từ 5 tuổi trở lên là người có tiếp xúc trong gia đình với bệnh nhân lao phổi và không nhiễm HIV. Với trẻ dưới 5 tuổi là người tiếp xúc trong gia đình với bệnh nhân lao phổi và người nhiễm HIV, thì không cần xét nghiệm chỉ cần loại trừ mắc bệnh lao và không có chỉ định là có thể thu nhận điều trị lao tiềm ẩn.

Được biết, bệnh nhân mắc lao phần lớn trong độ tuổi lao động, trong số này có nhiều người thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Điều trị bệnh lao kéo dài từ 4-6 tháng và 9-18 tháng với những bệnh nhân mắc lao kháng thuốc (MDR). Sau khi điều trị khỏi bệnh lao, bệnh nhân cần tăng cường hệ thống miễn dịch cơ thể, hạn chế lao phổi tái phát. Việc điều trị khi mắc lao tái phát trở nên khó khăn, có nguy cơ chuyển sang lao kháng thuốc.

Để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, là sự chung tay của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Các ban ngành đoàn thể cùng tham gia tại địa phương tuyên truyền về phòng, chống bệnh lao. Cùng với đó, mỗi người dân cần phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lao.

Ủng hộ quỹ hỗ trợ người chiến thắng bệnh lao

Quỹ hỗ trợ người chiến thắng bệnh lao - PASTB được Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký, ban hành Quyết định số 949/QĐ-BNV ngày 23/11/2023 thay thế Quyết định số 380/QĐ-BVN ngày 16/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Quỹ này tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC tổ chức vận động người dân cả nước ủng hộ tiền bằng hình thức nhắn tin.

Cụ thể, thời gian ủng hộ từ ngày 8/3/2024 đến hết ngày 6/5/2024, cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng.

TRANG MINH