Công tác kết nghĩa: Trợ lực cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội - Ngày đăng : 08:25, 03/04/2024
Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 8% dân số của tỉnh, với 17 xã thuần và 21 thôn xen ghép. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Năm 2013, trên cơ sở lãnh chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo 17 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phối hợp với UBND các huyện chọn 17 xã vùng đồng bào DTTS để triển khai thực hiện chương trình giao lưu, kết nghĩa giai đoạn 2013 - 2015 và hàng năm. Đây là dấu mốc đưa hoạt động kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận bước qua một “chặng mới”, quy mô, đồng đều, bền chặt hơn. Tận dụng năng lực, điều kiện sẵn có, nỗ lực vận động và sáng tạo, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, LLVT thực hiện kết nghĩa đã chú trọng các mô hình thay đổi diện mạo các xã, thôn đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo bền vững - dấu mốc nổi bật của công tác kết nghĩa hơn 10 năm qua tại Bình Thuận.
Đồng bào DTTS cư trú chủ yếu ở vùng rừng núi, có địa hình tương đối phức tạp, là địa bàn có vị trí chiến lược xung yếu cả về phát triển kinh tế - xã hội, thế trận quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái. Đây cũng là những vùng căn cứ địa cách mạng của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng bào DTTS tại Bình Thuận có truyền thống cách mạng, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đoàn kết một lòng, tương thân tương ái.
Để vun đắp, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng DTTS thêm bền chặt, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, ngăn chặn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu; đảm bảo an ninh - quốc phòng; tăng cường khối đoàn kết dân tộc, tạo niềm tin của đồng bào đối với cấp ủy, chính quyền; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững… UBND tỉnh đã có văn bản giới thiệu, phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS.
Hơn 10 năm qua (2013 - 2023), cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nhiều hình thức phù hợp, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín... là người DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân vùng đồng bào DTTS.
Các hoạt động trong nội dung kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các xã thuần, thôn xen ghép được duy trì thường xuyên. Chủ trương của tỉnh là tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để công tác kết nghĩa trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng nhằm giúp đỡ các xã thuần, thôn xen ghép, hộ dân vùng đồng bào DTTS cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Công tác kết nghĩa đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Nhiều mô hình phát triển sản xuất được hình thành, nhân rộng như: mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen; phát triển kinh tế cho thanh niên, phụ nữ; làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện mặt trời chiếu sáng, xây dựng phòng học, tặng tivi, máy vi tính; xây dựng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương; hỗ trợ kinh phí phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tặng hàng trăm suất học bổng, sách, vở, dụng cụ học tập, khu vui chơi cho học sinh; tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp phát thuốc; phiên chợ 0 đồng... Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có chuyển biến; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước và tỉnh nhà.
Tuy nhiên, việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động giao lưu, kết nghĩa của một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh còn chậm, chưa chủ động. Công tác kết nghĩa chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao, chưa thể hiện được mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa. Công tác lãnh đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS chưa thực sự rõ nét và thiếu tính đột phá. Một số địa phương chưa đưa dân vận vào công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS. Việc phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, nhiều lúc còn mang tính hình thức. Nhận thức của một bộ phận bà con vùng đồng bào DTTS chưa được cải thiện nhiều, một bộ phận nhỏ người dân có tâm lý trông chờ hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, nên chưa tự vươn lên cải thiện cuộc sống; chưa mạnh dạn tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn do các cấp, các ngành tổ chức nên kiến thức làm kinh tế, nông nghiệp còn hạn chế... Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đồng bào DTTS chưa chuyển đổi thói quen căn bản trong sinh hoạt, sản xuất, trong “nếp nghĩ, cách làm”.
Do vậy, thời gian tới cần nghiên cứu, đề xuất nội dung kết nghĩa theo hướng đổi mới, phù hợp, đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả. Xác định mục tiêu của công tác kết nghĩa chủ yếu mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân ở các xã thuần, thôn xen ghép vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tác động từ hoạt động kết nghĩa không chỉ một chiều. Nếu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, LLVT thông qua hoạt động kết nghĩa để nắm chắt địa bàn, xây dựng các “hạt nhân” về giữ gìn ANTT, thì qua đó, có dịp đi sâu đi sát với các vấn đề nảy sinh từ đời sống người đồng bào DTTS, là “nguyên liệu” để xây dựng, tham mưu các chính sách, phối hợp xây dựng chính sách cho vùng đồng bào DTTS trên các lĩnh vực. Từ đó, làm cho đồng bào DTTS nhận thức rõ hơn, thấy được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và tỉnh nhà đối với đồng bào DTTS, phát huy truyền thống tương thân tương ái, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.