Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo ATGT tại Tuy Phong.
Pháp luật - Ngày đăng : 20:45, 04/04/2024
Báo cáo với đoàn giám sát, UBND huyện Tuy Phong cho biết, trong giai đoạn 2009 – 2023, tai nạn giao thông (TNGT) có sự tăng - giảm, nhưng đa phần có chiều hướng tăng cả về số vụ và thiệt hại về người, tài sản do tai nạn. Trong đó, từ 2009 đến 2012, Tuy Phong xảy ra khoảng 20 vụ TNGT/năm. Năm 2013 xảy ra 42 vụ tai nạn, làm chết 41 người, bị thương 14 người. Năm 2014 xảy ra nhiều nhất với 62 vụ, làm chết 31 người, bị thương 41 người. Từ năm 2015 đến 2020 xảy ra gần 40 vụ/năm; trong 2 năm (2021 – 2022) xảy ra khoảng 20 vụ/năm, năm 2023 xảy ra ra 31 vụ, làm chết 18 người, bị thương 26 người. Hầu hết, TNGT xảy ra trên tuyến đường bộ, không xảy ra TNGT đường thủy.
Để đảm bảo trật tự ATGT, huyện triển khai nhiều biện pháp, trọng tâm là tuyên truyền pháp luật và thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông. Trong 14 năm, Công an huyện đã tổ chức gần 10.000 ca tuần tra qua đó phát hiện, lập biên bản 52.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 22,8 tỷ đồng.
Tại buổi giám sát, đại diện các ngành của Tuy Phong và thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đồng thời nhận định, tình hình TNGT có thời điểm tăng cao là do tình trạng vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường bộ còn nhiều. Công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng, lưu lượng xe tham gia giao thông khá lớn (đặc biệt là tuyến quốc lộ 1), công tác tuần tra, kiểm soát chưa khép kín hết địa bàn. Ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; kinh phí đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Thông – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã đánh giá cao nỗ lực của huyện Tuy Phong trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, tình hình an ninh trật tự tại huyện Tuy Phong khá phức tạp, gần như huyện có đầy đủ các loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) nên áp lực giao thông rất lớn. So với năm 2009 thì tình hình TNGT những năm gần đây tăng cao, số người chết và bị thương cũng tăng. Vì vậy, thời gian tới huyện Tuy Phong phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo ATGT quyết liệt bằng nhiều biện pháp cụ thể.
Ngoài ra, huyện cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông, chú ý nhân rộng các mô hình tuyên truyền hiệu quả; nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng. Mặt khác, đánh giá lại cụ thể các nguyên nhân dẫn đến TNGT để có biện pháp khắc phục, xử lý; chỉ đạo tăng cường tuần tra kiểm soát giao thông, tuần tra đảm bảo khép kín địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những lỗi có thể trực tiếp dẫn đến TNGT.
Trước đó ngày 3/4, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận cũng tiến hành giám sát chuyên đề này tại UBND thị xã La Gi. Theo đó, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông được La Gi triển khai đồng bộ, sâu rộng trong nhân dân, song cũng còn một số hạn chế trong quá trình triển khai. Tại La Gi, tình hình TNGT có chiều hướng giảm qua từng năm (từ 59 vụ, 18 người chết, 63 người bị thương vào năm 2010 thì năm 2023 đã giảm trên cả 3 mặt - xảy ra 33 vụ làm 16 người chết, 21 người bị thương.