Chiếc “áo mới” của vùng đất cách mạng
Xã hội - Ngày đăng : 14:48, 08/04/2024
Trang sử hào hùng
Hàm Thuận nằm ở trung tâm của tỉnh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với tỉnh và Cực Nam Trung Bộ; giáp biển và Tây Nguyên, 3 mặt bao lấy Phan Thiết; là hậu phương, là cửa ngõ, là bàn đạp quan trọng để bao vây, tấn công Phan Thiết - đầu não của ngụy ở tỉnh Bình Thuận. Và trong chính thế trận ấy, đã tạo cho Hàm Thuận thành chiến trường nóng bỏng, giằng co quyết liệt giữa ta với địch. 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, địch đã thực hiện “tố Cộng, diệt Cộng”, bình định nông thôn, khủng bố, trả thù người dân kháng chiến, xây dựng hệ thống đồn bót, ấp chiến lược, huy động các phương tiện chiến tranh hiện đại, hành quân càn quét, pháo kích, ném bom đánh phá để tiêu diệt phong trào cách mạng nhằm cai trị Hàm Thuận, tỉnh và Miền Nam để chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước âm mưu thủ đoạn của Mĩ, ngụy với các chiến lược chiến tranh, quân và dân Hàm Thuận với truyền thống đoàn kết và ý chí bất khuất, kiên cường đã vùng lên đấu tranh chính trị, vũ trang kết hợp để diệt ác, phá kèm, phá ấp chiến lược, tiêu hao sinh lực, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra. Và trận đánh giải phóng Chi khu quận lỵ Thiện Giáo (tại Ma Lâm) vào ngày 08/4/1975 của quân và dân Hàm Thuận với sự chi viện của quân chủ lực Tỉnh và Khu VI là trận đánh tiêu biểu, mở đầu quá trình giải phóng huyện Hàm Thuận, góp phần giải phóng tỉnh Bình Thuận ngày 19/4/1975 và miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, Hàm Thuận (nói chung) có trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh, hơn 5.000 người bị thương tật do chiến tranh và bị địch tra tấn, tù đày, nhiều gia đình đã mất đi từ 3 đến 5 người con thân yêu của mình. Hơn nghìn người vợ, người mẹ lần lượt đưa tiễn chồng, con mình ra trận và nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường vì hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều địa danh của Hàm Thuận đã đi vào lịch sử như: “Khu Lê bất khuất”, “Tam Giác kiên cường", “Đường Tám rực lửa chiến công”, “Nam Sơn trung dũng”. Với những chiến công oanh liệt và những đóng góp to lớn cho cách mạng, quân và dân huyện Hàm Thuận đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978.
Vươn mình phát triển
Sau giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Hàm Thuận bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh với biết bao khó khăn. Thời điểm này, sản xuất lạc hậu, thấp kém, ruộng đất tan hoang, làng xóm tiêu điều do bom cày đạn xới. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, đời sống đại đa số nhân dân hết sức nghèo nàn, cơ cực. Ngày 30/12/1982, huyện Hàm Thuận được chia tách thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Huyện Hàm Thuận Bắc chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/6/1983, đến nay có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 xã và 2 thị trấn. Cũng trong giai đoạn này, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và bằng ý chí quyết tâm và tiếp nối truyền thống anh hùng, cán bộ và Nhân dân Hàm Thuận nổ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, chung sức, chung lòng từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo đó, đời sống phần lớn Nhân dân cải thiện đáng kể, hộ giàu, khá tăng lên, hộ nghèo giảm mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng thêm khởi sắc. Nhờ kinh tế huyện nhà phát triển, nên công tác thu ngân sách nhà nước hàng năm của huyện luôn đạt và vượt dự toán tỉnh giao, bình quân thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt khoảng 400 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và nâng cấp, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền huyện rất quan tâm phát triển thủy lợi và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu giúp huyện phát triển kinh tế. Quan tâm kiến nghị tỉnh đầu tư các công trình thủy lợi lớn như Hồ Sông Quao, Kênh 812- Châu Tá... vừa làm tốt công tác huy động sức dân để tu bổ, nâng cấp các hồ, đập, hệ thống kênh mương... Nhờ đó, đã đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động lên 99%, đưa tổng sản lượng lương thực từ 35.000 tấn (năm 1983) lên 164.000 tấn (năm 2022); tạo nền tảng vững chắc cho huyện nhà phát triển đi lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; từ một huyện nghèo đói, qua 40 năm triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đến nay không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 đến năm 2022 giảm xuống còn 4,44% và hộ cận nghèo còn 4,74%; thu nhập bình quân đầu người từ 30,2 triệu đồng (năm 2015) nâng lên 48 triệu đồng (năm 2022). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, gắn với đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 1983, Đảng bộ huyện có 35 chi, đảng bộ cơ sở với 815 đảng viên thì đến nay có 37 chi, đảng bộ, 249 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với 4.442 đảng viên. Trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong huyện tiếp tục được nâng lên...
Trên chặng đường mới, huyện Hàm Thuận Bắc sẽ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ, nhất là du lịch. Huyện sẽ tập trung ưu tiên huy động tất cả các nguồn lực có thể cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào làm ăn, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp du lịch và các loại hình dịch vụ tại Hàm Thuận Bắc. Ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ cao, các mô hình liên kết chuỗi sản xuất thực sự có hiệu quả, chuyển đổi mạnh mẽ, tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Mặt khác, tăng cường liên kết với các huyện giáp ranh để kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh cho huyện nhà.