“Thư viện xanh” khơi dậy hứng thú đọc sách cho học sinh

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 06:27, 10/04/2024

Để duy trì, phát triển văn hóa đọc cho học sinh, thời gian qua các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư mô hình “Thư viện xanh” nhằm tạo môi trường thân thiện, giúp học sinh hình thành, phát triển kỹ năng và thói quen đọc sách, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.

Đến Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết), chúng tôi ấn tượng bởi mô hình “Thư viện xanh” đặt tại sân trường. Thư viện xanh được nhà trường đầu tư, xây dựng theo không gian mở, thân thiện, hài hòa với thiên nhiên. Các loại sách, báo, truyện được trưng bày trên kệ, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận, lựa chọn sách phù hợp với nhu cầu đọc và tự lấy sách để đọc ngay khi vừa đến trường, trong giờ ra chơi, giờ tan học. Thư viện còn bố trí nhiều giỏ hoa, chậu cây xanh xung quanh tạo môi trường thân thiện, mát mẻ, trong lành giúp giảm căng thẳng, kích thích nhu cầu đọc cho học sinh. “Thư viện xanh” có nhân viên, giáo viên hướng dẫn các em học sinh thực hiện đúng quy định, giữ gìn thư viện xanh - sạch - đẹp, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với thư viện, hình thành thói quen đọc sách của các em.

2808d49a-3d23-439e-a257-0e726ee933ef.jpeg
Học sinh Trường tiểu học Xuân An đọc sách tại Thư viện xanh.

Còn tại điểm trường chính Trường tiểu học Bình An (Bắc Bình), mô hình Thư viện xanh “Góc tăng cường tiếng Việt” mới đưa vào hoạt động đã tạo hứng thú, thu hút nhiều học sinh tham gia đọc sách. Thư viện được thiết kế gồm 2 gian sách được bố trí thành 2 tầng đặt ngay dưới tán cây xanh mát bên góc ao hoa súng lúc nào cũng nở hoa sáng rực tại sân trường. Không chỉ thiết kế độc đáo, lạ mắt, thư viện được xây dựng ngoài trời còn tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên tạo cảm giác thoải mái cho học sinh sau mỗi tiết học. Ngoài ra, Thư viện xanh còn là nơi để nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài trời, các hoạt động ngoại khóa. Thầy Đặng Duy Khánh - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình An cho biết: “Thư viện xanh là công trình thanh niên do xã đoàn Bình An thực hiện nhằm tạo hứng thú, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh, đặc biệt nhằm tăng cường tiếng Việt cho những học sinh dân tộc thiểu số của trường. Đến nay, thư viện trường đã có hơn 2.000 đầu sách các loại để phục vụ nhu cầu đọc sách cho các em. Để duy trì hoạt động của thư viện, mang lại hiệu quả thiết thực, nhà trường đã chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên phụ trách thư viện thường xuyên quét dọn, kiểm tra, bảo quản trang thiết bị, bàn ghế, sách vở. Đồng thời, xây dựng nội quy, sắp xếp thời khóa biểu của từng lớp học cụ thể, bảo đảm cho tất cả học sinh đều được đọc sách và tham gia hoạt động tại Thư viện xanh. Hàng tuần, có thay đổi các đầu sách theo từng chủ đề cụ thể kết hợp với đa dạng hóa các loại sách trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi để khởi tạo hứng thú, thu hút nhiều hơn các em học sinh tự giác đến với văn hóa đọc”.

4e81f1d9-6ab3-48ef-8f59-b243ea48845f.jpeg
Cô và trò Trường tiểu học Bình An đọc sách ở Thư viện xanh.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm học qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc được các cơ sở giáo dục trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Nhất là việc triển khai xây dựng các góc thư viện xanh đã giúp cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy tìm tòi, nghiên cứu, giúp học sinh có thói quen đọc sách. Qua đó, học sinh được rèn luyện kỹ năng đọc, góp phần nâng cao chất lượng học tập.

Thanh Thuỷ