Lại thêm huyền thoại về “kho báu” quân đội Nhật chôn giấu
Vấn đề và sự kiện - Ngày đăng : 05:05, 12/04/2024
Đó là ông Huỳnh Phú Tân (SN 1982, trú tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), ông vừa gửi đơn đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận xin phép khai thác 3 tấn vàng mà quân đội Nhật chôn giấu dưới sông Cà Ty. Nhận đơn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã có văn bản trả lời và hướng dẫn ông Tân thực hiện quy trình theo các quy định hiện hành; yêu cầu ông Tân phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh, vị trí, tọa độ kho báu mà ông định khai quật…
Sau khi nhận được văn bản hướng dẫn thủ tục của cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, báo chí cho biết ông Tân đã gửi đơn trình bày: Ông tổ gia đình ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn, chỉ truyền đến đời ông, hiện giờ chỉ biết được địa điểm mà thôi… Ông Tân cũng đề nghị: Tôi xin đi thẳng vào khai thác, mà không cần thăm dò, vì đã xác định được địa điểm chính xác. Ông còn nói rõ vị trí cụ thể chôn “kho báu” cách cầu Dục Thanh bao nhiêu mét, về hướng nào… Nếu được cơ quan thẩm quyền cho phép, ông sẽ tiến hành khai quật “ngay và luôn” (từ 1/5/2024).
Ông Tân cũng đề nghị cử 10 cán bộ công an giúp bảo đảm an ninh trật tự và vận chuyển vàng về kho bạc, 2 cán bộ chuyên môn giúp đỡ nếu phát hiện có chất nổ. Toàn bộ chi phí khoảng 200 triệu đồng ông chịu hoàn toàn, sà lan, tàu thuyền, máy móc ông sẽ đem từ Bạc Liêu ra. Ông cũng xin ký quỹ hoàn thổ môi trường 500 triệu đồng và nộp vào Kho bạc Nhà nước Bình Thuận 70% “kho báu” khai quật được, chỉ giữ lại 30%.
Huyền thoại về những kho báu quân đội Nhật chôn giấu sau thế chiến thứ 2, đã đẩy hàng ngàn người ở các nước Đông Nam Á vào các cuộc phiên lưu tìm kiếm trong vô vọng. Riêng ở Bình Thuận, mọi người chắc chưa quên vụ “kho báu” núi Tàu (Tuy Phong) từ những năm 90 của thế kỷ trước, nơi nghi chôn giấu 4.000 tấn vàng mà quân đội Nhật vơ vét được trong thế chiến 2. Theo đuổi ròng rã 20 năm trời, được tỉnh Bình Thuận cấp phép, gia hạn, ngưng, rồi lại gia hạn… cụ Trần Văn Tiệp đã bỏ ra hàng ngàn lượng vàng, khoan hàng trăm mũi, đánh thuốc nổ nhiều nơi, cho đến khi cụ Tiệp qua đời thì “kho báu” khổng lồ này vẫn chỉ là một huyền thoại ly kỳ.
Ngay tại sông Cà Ty này hơn 3 thập kỷ trước dư luận cũng từng xôn xao về một “kho báu” được chôn giấu dưới nền nhà của ông N.T.Q trên đường Trưng Trắc (ven sông Cà Ty). Chính quyền đã cho phép ông Q tiến hành khai quật, nhưng sau gần 2 tháng đào bới mà không tìm ra “kho báu” nào, chính quyền đã lệnh chấm dứt việc tìm kiếm vì đó chỉ là “hoang tin”.
Trở lại đề nghị xin đào 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty. Chưa biết vụ việc này sẽ đi đến đâu, nhưng dư luận tin rằng cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận lần này sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Bởi trước hết Bình Thuận đã có “bài học kinh nghiệm” từ những “kho báu” trước. Hai là ông Tân chưa cung cấp được thông tin, tư liệu, hình ảnh gì chứng minh có kho báu dưới sông Cà Ty. Ba là vị trí xin khai quật “kho báu” không phải ở nơi rừng núi xa xôi hẻo lánh gì, mà ngay ở trung tâm, nơi dòng sông chảy giữa lòng thành phố, nên các tác động về cảnh quan môi trường và cả an ninh trật tự sẽ rất lớn (mà 500 triệu đồng ký quỹ chẳng bõ bèn gì).