Hát nhạc phẩm “Hùng Vương”, để nhớ công đức của ngài
Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:11, 12/04/2024
Nhắc đến ông tổ của Việt Nam, tôi nhớ nhạc phẩm “Hùng Vương” của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Đây là một trong những bản hùng ca, lịch sử ca, non sông ca, đất nước ca, ông cha ca… nằm trong số nhạc phẩm của những nhạc sĩ “tiền chiến” một thời nặng nợ với Tổ quốc như: Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Phạm Duy, Tô Vũ, Thẩm Oánh…
Thẩm Oánh, một giáo sư âm nhạc, ông tiên phong trong thời kỳ nền tân nhạc Việt Nam vừa mới thoát ly ra khỏi nhạc Tây, Tàu… để viết nên những bản nhạc Việt Nam đậm bản sắc dân tộc.
Nghe nói, ông rất khắt khe với một số nhạc sĩ “mới ra lò”, những nhạc phẩm gởi đến ông để thẩm định, chưa nói đến ca từ, giai điệu, trật luật “cân phương” (Carrure) là ông loại ngay vòng đầu. Đúng “thẩm”, như Thẩm Oánh!
Nhạc sĩ Thẩm Oánh viết chừng 50 tác phẩm, nhưng không phải nhạc phẩm nào của ông cũng “nghe được”, rất kén chọn người nghe, vì nhạc ông “khó nghe”. Giới yêu chuộng âm nhạc, nghe nhạc phẩm ông qua các giọng ca: Thanh Lan, Mai Hương, Kim Tước, Tâm Vấn, Hà Thanh, Duy Trác, Anh Ngọc… với những nhạc phẩm: Gió hoan ca, Nhớ nhung, Tôi bán đường tơ, Thiếu phụ Nam Xương, Tòa miếu cổ, Sóng nước viễn phương, Xa cách muôn trùng, Cô hàng hoa, Nàng bân, Vợ chồng ngâu, Chiều tưởng nhớ, Vương tơ, và Hùng Vương…
Tôi nhớ chừng khoảng năm 1993, tôi có mua một băng Vidéo “Bản hùng ca”, đây cũng là lần đầu, tôi nghe những bài “lịch sử ca” chính gốc, mà tôi tưởng đã mai một theo thời gian. Băng Vidéo dàn dựng núi non, sông nước, biên ải… khá công phu, gồm những bài hát lịch sử của một thời lừng danh như: Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang (Lưu Hữu Phước), Bóng cờ lau (Hoàng Quý), Ngày xưa (Tô Vũ), Gò Đống Đa (Văn Cao), Hùng Vương (Thẩm Oánh). Riêng nhạc phẩm “Hùng Vương”, khác những nhạc sĩ khác, Thẩm Oánh chỉ dùng hai chữ “Hùng Vương” mà không dùng từ ngữ nào khác để nói về công đức vua Hùng.
Những nhạc sĩ tiền bối nêu trên đã đóng góp cho cuộc chiến tranh bằng nhiều nhạc phẩm ca ngợi người Việt Nam dù nhỏ bé nhưng là một dân tộc anh hùng, đã từng đánh tan đạo quân xâm lược, giữ vững non sông từ ngày lập quốc cho đến nay. Âm nhạc tuy không mạnh như vũ khí tối tân, nhưng là nguồn động viên tinh thần của muôn người xông pha nơi trận mạc.
Bài hùng ca lịch sử của nhạc sĩ Thẩm Oánh và một số nhạc lịch sử đã kể trên là những bài ca không biên giới, là những ngọn triều dâng phá tan nô lệ xiềng xích, đó cũng là những “giai điệu tự hào” của ông cha chúng ta đã đổ máu để có ngày hòa bình, và riêng bài hát “Hùng Vương” chúng ta hát như một lời tri ân “nước Nam khang cường là nhờ công đức Hùng Vương”.
Thẩm Oánh là một nhạc sĩ “tiền chiến”, ông sinh năm 1916 tại Hà Nội, ngoài nhạc phẩm, ông còn sáng tác ba vở nhạc kịch: Quán giang hồ, Bá Nha - Tử Kỳ, Đoàn kết là sức mạnh. Và, mỗi năm đến Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, hãy hát nhạc phẩm “Hùng Vương” - để tự hào – đất nước chúng ta có bốn ngàn năm văn hiến: “… Bốn ngàn năm văn hiến/ Nước Nam khang cường là nhờ công đức Hùng Vương/ Hoa gấm giang sơn này cùng chung đắp xây/ Bao đời hùng uy vẻ vang/ Đời đời nhờ Hùng Vương đã vì quốc dân lập non nước này/ Cho cháu con quây quần vẽ nên cơ đồ bền vững tới nay/ Việt Nam bao sáng tươi/ Thề cùng bền gắng cương quyết xây nhà Nam/ Đây cháu con Lạc Hồng từ Bắc chí Nam/ Xin đoàn kết tâm đồng/ Non nước Việt Nam nhờ Hùng Vương quyết thắng muôn năm/ Dòng giống khang cường…”.
Ban “Tam ca áo trắng” đã trình bày bài hát này trong băng Vidéo “Những bài hùng ca”, nghe như những lời “vọng cố hương” dù đã ngàn trùng xa xăm. Lịch sử bốn ngàn năm văn hiến, gói trong bài hát chỉ có mấy phút, và mỗi năm hát “Hùng Vương” để mặc niệm nhớ về công đức của ngài.
Giới nghiên cứu và phê bình âm nhạc Việt Nam mà quên nhạc sĩ Thẩm Oánh thì là một thiếu sót đáng trách!
Lịch sử, nếu giảng không hay, hoặc dạy không hấp dẫn, sẽ trở thành môn học khô khan, nhàm chán. Để dung hòa, thay vì học lịch sử, ta hát lịch sử vậy!