Đọc sách để con có thêm một người thầy

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 05:17, 12/04/2024

Tình yêu chỉ có thể lớn dần lên mỗi ngày khi chúng ta được tạo điều kiện để tìm hiểu đối tượng. Và cùng con duy trì thói quen đọc sách cũng tương tự như vậy…
8406b330-20f0-425a-a09e-31273e5867a4.jpeg
Niềm vui đọc sách tại Thư viện tỉnh của những đứa trẻ.

Cùng con đọc sách

Có khi nào chúng ta đi đến quán cà phê thấy được cảnh một em nhỏ đang say sưa đọc sách đến nỗi không để ý xung quanh, trong khi đó con mình thì luôn dán mắt trước màn hình Ipad hay điện thoại. Liền sau đó chắc chắn là những lời càu nhàu dành cho đứa con và cả những mối bận tâm không biết làm như thế nào để đưa sách đến với trẻ.

Nhưng có mấy ai biết rằng đọc sách chỉ là một hành động được nuôi dưỡng và rèn luyện thường xuyên mà có được. Công tác tại Thư viện tỉnh nhiều năm nay và có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều học sinh tới đọc sách, chị Đỗ Thị Hải chia sẻ: Nếu cha mẹ không đọc sách, thật khó để hy vọng trẻ con sẽ gắn bó với sách. Ban đầu chưa biết đọc, ba mẹ hãy đọc cho con nghe, có thể là truyện cổ tích, hình ảnh về các loài vật. Hãy xem sách trở thành đồ chơi, thành bạn của con ngay từ những năm tháng đầu đời, đánh dấu ấn tượng đặc biệt trong ký ức của trẻ. Đó là cơ hội để hành trình đến với sách của trẻ được tiếp nối. Lớn lên một chút, khi đã biết đọc thì ba mẹ mua truyện tranh chữ to cho con đọc, từ sách kỹ năng sống, khoa học đến lịch sử... và vẫn tiếp tục cùng ngồi đọc với con. Sự tương tác, trả lời những câu hỏi của con khiến trẻ vô cùng hài lòng. Theo thời gian, con bắt đầu biết nâng niu những cuốn sách và có sự lựa chọn tìm đọc theo sở thích.

Còn với chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) lại thường chọn đọc những đoạn trích trong các cuốn sách để con ghi lại. Đó là cách vừa giúp trẻ luyện chữ, vừa khơi gợi sự tò mò trong con về những điều kỳ diệu, thú vị trong các câu chuyện, chương tiếp theo, từ đó tự tìm đến sách để đọc.

5d1f0579-77dc-4bbb-945f-074a7f734b6b.jpeg
Nhân viên Thư viện tỉnh đang sắp xếp lại sách 

Những hộp quà sách

Không chỉ bây giờ, khi hoạt động của Ngày sách và văn hóa đọc được tuyên truyền rộng rãi người ta mới biết đến các mô hình đọc sách hay phong trào tặng sách. Đặc biệt vào dịp đầu năm mới, thay vì tặng nhau những phong bao lì xì thì mọi người lại gửi nhau các hộp quà sách. Thì ra, tục này đã có từ thời phong kiến, từ mùa xuân Giáp Thân 1944, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã viết: “Ngày xuân mà được đọc sách thì may mắn biết chừng nào. Có lẽ nhờ vậy mà ra giêng bắt đầu làm việc lại, tinh thần thêm mạnh mẽ, tâm trí như thanh xuân, với một tâm hồn vừa thanh cao, vừa thơ bé, vừa ẩn nhẫn từ bi, vừa nồng nàn ái quốc”. Khuyến học và khuyến đọc đã được các trí thức, văn nhân khuyến khích, truyền cảm hứng qua hàng thập kỷ.

8d79fe92-014d-4eb6-8d8c-64e6e6e2e6e0.jpeg
Duy trì thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ bé

Thật bất ngờ khi Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh công bố: Có trên 1 triệu người đến Đường sách (tuyến đường Lê Lợi, quận 1) tham quan, mua sách dịp Tết Nguyên đán 2024, tăng 11,1% so năm 2023. Ban tổ chức lễ hội cũng đã lì xì hơn 16.000 cuốn sách cho người dân và du khách. Điều này cho thấy sức hút và nhu cầu tìm đến sách của độc giả đang ngày càng tăng lên.

96eb72ed-f70c-4140-a999-8ec4208512c3.jpeg
Gian trưng bày sách mới tại nhà sách giúp người đọc dễ tìm kiếm

Quà sách không chỉ là phong trào mà còn là niềm kỳ vọng về một thói quen văn hóa trong thời đại mới. Vì thế mỗi gia đình hãy cố gắng tạo cho con tủ sách riêng với những cuốn sách mà con yêu thích, đó là bước tiến lớn để hình thành thói quen, đọc, tìm, sắp xếp sách vở. Trong những sự kiện từ sinh nhật đến những ngày lễ, đạt thành tích cao trong học tập... chúng ta đều có thể đánh dấu bằng cách tặng cho con những cuốn sách với lời đề tặng ý nghĩa.

f2cf9a6e-c9d5-496e-aca7-e8d17059a1a9.jpeg
Không gian đọc sách tại nhà sách

Trao tặng sách cho trẻ thơ chính là trao tặng tri thức và góp phần vun bồi giá trị cho những thế hệ kế tiếp. Trong dòng chảy gấp gáp của đời sống, những cuốn sách thực sự là người bạn, người thầy đồng hành cùng trẻ trong thế giới bao la này.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – người có biệt tài viết truyện cho trẻ em, từng nói: Nếu không hình thành được thói quen đọc sách cho trẻ thì khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, có dúi sách vào tay kèm theo những lời có cánh về lợi ích của việc đọc, các em cũng khó mà nghe theo.

Thuỳ Linh