Xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 05:07, 15/04/2024

Thời gian qua Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thực hiện xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương đến gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Hội nhập “sân chơi” toàn cầu

Kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận trước bối cảnh Việt Nam tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp địa phương chủ động hội nhập “sân chơi” toàn cầu. Hiện hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm: Hàng may mặc (xuất sang Nhật Bản, Đài Loan), giày, dép các loại (Mỹ, Canada, Hà Lan, Italia…), hải sản các loại (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Israel…), thanh long (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Canada, Hồng Kông…), cao su (Mỹ, Đài Loan), hạt điều nhân (Mỹ, Trung Quốc). Ngoài ra còn có một số hàng hóa khác như đồ gỗ nội thất, giấy các loại, nước mắm… được doanh nghiệp Bình Thuận xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, Bỉ, Hồng Kông.

img_5330.jpg
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Bình Thuận (ảnh minh họa).

Theo ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương, đến nay Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại dự do, trong đó có các Hiệp định FTA thế hệ mới đã đi vào thực thi những năm gần đây. Bao gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... Vì vậy đang mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng. Tuy nhiên bên cạnh những ưu đãi về giảm thuế, đối tác trong các Hiệp định FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trên thế giới. Thế nên hàng hóa xuất khẩu của nước ta, kể cả của Bình Thuận đều có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác trong Hiệp định FTA điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…

Tại Hội thảo Giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại được tổ chức tại TP. Phan Thiết mới đây, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin nội dung liên quan vấn đề này. Theo đó cho biết những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Và lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam vì xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua - nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại những nước này đề nghị Chính phủ của họ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu

Thực tế cho thấy, công cụ phòng vệ thương mại xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế gắn với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Phòng vệ thương mại có tác động nhiều mặt, lâu dài không phải là những lợi ích trước mắt và có thể xuất hiện cả ở chiều xuất khẩu cũng như ở chiều nhập khẩu, nên không ngạc nhiên khi thời gian qua vấn đề này nhận được sự quan tâm rất lớn của các hiệp hội, ngành sản xuất, xuất khẩu...

Với Việt Nam, mặc dù phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới nhưng gần đây nước ta đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ này để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước... Do vậy, Hội thảo Giới thiệu về các biện pháp phòng vệ thương mại được phối hợp tổ chức tại địa phương sẽ góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt những thông tin mới nhất về phòng vệ thương mại, cách thức xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Qua đây doanh nghiệp, hiệp hội, ngành sản xuất, xuất khẩu chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó cũng như sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được pháp luật cho phép nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng. Từ đó định hướng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh, xúc tiến mở rộng thị trường để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa đem lại hiệu quả khi tham gia hội nhập vào “sân chơi” toàn cầu.

Đầu năm 2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn Bình Thuận. Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển xuất nhập khẩu đối với một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới. Theo đó tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Bình Thuận: Nhóm hàng thủy hải sản, nhóm hàng nông sản (chủ lực là thanh long), nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo (hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, bao bì...). Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm khoáng sản xuất khẩu, hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa và một số sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của tỉnh để tham gia xuất khẩu.

Tới đây, Bình Thuận còn tính đến đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và phát huy hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống lẫn thị trường xuất khẩu trọng điểm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm. Chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống cũng như các thị trường mục tiêu (ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ…). Cùng với đó sẽ quan tâm phát triển, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu khi Việt Nam tiếp tục ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới…

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận trong quý I/2024 ước đạt 158,3 triệu USD và tăng 1,9% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 46,4 triệu USD (tăng 0,5%), nhóm hàng nông sản thực hiện 1,9 triệu USD (giảm 44,6%) và nhóm hàng hóa khác đóng góp khoảng 110 triệu USD (tăng 4,1%). Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong quý đầu năm nay ước đạt 300,5 triệu USD (tăng 5% so cùng kỳ), chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc, nguyên liệu dệt may, da giày, giấy...

QUỐC TÍN