Phan Thiết: Khuyến khích phụ nữ sản xuất thực phẩm sạch
Kinh tế - Ngày đăng : 14:44, 25/12/2019
Vườn rau sạch của bà Võ Thị Huệ. |
Vườn rau an toàn
62 tuổi, nhưng bà Võ Thị Huệ (khu phố 5, phường Phú Hài) trông rất khỏe mạnh. Hàng ngày 4 giờ sáng, bà đã dậy nhổ rau để đúng 6 giờ 30 phút có mặt tại góc chợ Phú Hài. Mớ rau cải, hành dẫu cằn, đôi lá bị cháy sém vì nắng, vì sâu nhưng có màu xanh thẫm lại thêm buộc chặt tay nên ai cũng giành nhau. Loáng chốc, cả rổ rau đầy ắp chỉ còn vài cọng lá rách sót lại, khiến người đến sau cứ tiếc ngẩn ngơ vì không kịp mua sớm hơn. Ra về khi ánh mặt trời chưa kịp lên cao, bà lại tiếp tục công việc vun trồng cho buổi chợ ngày tiếp theo.
Những buổi chợ sớm cùng mớ rau nhà trồng, cứ thế mấy chục năm nay giúp bà Huệ nuôi 6 đứa con khôn lớn. “Với phương thức chăm sóc rau theo quy trình hữu cơ, phân chuồng ủ cùng với đất, cát. Chọn trồng luân phiên các loại rau khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích để hạn chế sâu bệnh, cộng với sự chịu khó trong khâu làm đất, tưới, làm cỏ nên rau lên đều và ít sâu bệnh. Tuy ngọn rau không bắt mắt so các loại lấy từ Đà Lạt hay các nơi khác về nhưng đảm bảo cho người sử dụng và gia đình mình. Bây giờ diện tích sản xuất giảm nhiều so với trước, chỉ còn gần 1,5 sào hành lá, cải, ngò, nhưng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc sản xuất an toàn”, bà Huệ chia sẻ.
Mấy hôm nay thăm đám vườn của nhà hàng xóm, những luống cải củ lên xanh rồi bỗng dưng quắn lá, thối gốc chết dần, khiến bà Huệ lo lắng. Nhìn đám rau ở nhà đang ken dày, xanh tốt, không biết có bị “lây”, nhưng nhất quyết bà không phun xịt thuốc thêm. Bởi mấy tuần nữa đám cải cho củ, bà sẽ nhổ đem phơi, muối rồi bỏ mối cho các cửa hàng, phần gửi cho con và ở nhà dùng ăn tết.
Ý tưởng khởi nghiệp
Trong khuôn viên phố thị chật hẹp, những ô mồng tơi, tần ô, cải xanh, ngò… xếp ngay ngắn trước hiên nhà, trên sân thượng, góc ban công chật hẹp cũng đủ làm mướt xanh cả một góc phố. Vì thế thời gian qua, Hội LHPN TP. Phan Thiết luôn khuyến khích hội viên dành một phần diện tích nhỏ để trồng rau sạch cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, phối hợp mở các lớp tập huấn sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, hướng dẫn trồng rau thủy canh, trồng rau có tầng giữ ẩm nhân tạo trong nhà lưới…
Đáng mừng là trong năm 2018 và 2019, có rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ từ sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, như ý tưởng trồng cà chua của chị Phạm Thị Ngọc Trâm (xã Tiến Lợi), nuôi gà an toàn sinh học của chị Lê Thị Phượng (Hàm Tiến). Để rau an toàn mà vẫn phát triển tốt, chị Nguyễn Thị Hà Giang (xã Phong Nẫm) còn nghiên cứu ra loại phân để bón cho cây. Đó là sản phẩm tự làm mang tên Gaba Enzyme (GE) - là dung dịch có mùi đặc trưng được tạo ra từ nguồn thực phẩm thừa của thơm, chuối, nha đam, tỏi, ớt, gừng, lá và gốc các loại rau… Theo chị Giang: Khi sử dụng GE tưới cho cây cối, hoa màu sẽ giúp cây tăng trưởng ổn định, phòng ngừa sâu bệnh, bảo vệ thiên địch. Ngoài ra GE khi thấm vào đất còn có tác dụng cải tạo đất, cung cấp nguồn dinh dưỡng mới. Điểm nổi bật là sản phẩm rất thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.
Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo thói quen tiêu thụ thực phẩm an toàn, bà Ngô Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN TP. Phan Thiết cho biết sẽ tiếp tục tuyên truyền các hộ gia đình sản xuất rau, thực phẩm sạch, đồng thời phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho hội viên. Từ những lợi ích thiết thực đó góp phần nâng cao thu nhập cho chị em và sức khỏe cộng đồng.
Thùy Linh